Lịch hẹn kiểm định kéo dài hàng tháng

Suốt 6 tháng qua, mặc dù cơ quan quản lý đưa ra nhiều giải pháp như: miễn đăng kiểm lần đầu với xe mới; thay đổi chu kỳ kiểm định ở một số nhóm đối tượng; nhận sự hỗ trợ từ lực lượng đăng kiểm viên quân sự, công an; đặt lịch hẹn qua app nhưng tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp tục gia tăng.

Lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, tình trạng ùn tắc đã và đang diễn ra tại 184 trung tâm đăng kiểm ở 43 tỉnh thành. Trong đó, TP.HCM, Hà Nội là hai điểm "nóng". Nhiều trung tâm đăng kiểm phải đặt lịch hẹn kiểm định cho người dân kéo dài hàng tháng.

Xe xếp hàng dài chờ đăng kiểm (Ảnh: Thiện Lương) 

Theo thống kê, TP.HCM hiện có 15/19 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đang hoạt động bao gồm 13 đơn vị và 2 chi nhánh. Tổng số dây chuyền kiểm định đang hoạt động là 32/53 với công suất tối đa hơn 1.900 lượt xe/ngày.

Ghi nhận của PV VietNamNet vào sáng 5/5, các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM không còn cảnh chen lấn nộp hồ sơ hay xếp hàng chờ tới lượt, thay vào đó, chủ phương tiện sẽ đăng ký qua app. Tuy nhiên, lịch hẹn đăng kiểm tại các trung tâm hầu hết đã kín đến cuối tháng 6. 

Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An cho biết, hiện nay, công tác kiểm định chỉ thực hiện qua đăng ký trước qua app hoặc phát phiếu số thứ tự từ trước, do đó không còn cảnh tài xế, doanh nghiệp lưu đậu xe hàng giờ, ngày qua ngày để chờ xếp lịch đăng kiểm gây ùn tắc. Dù vậy, lượng xe giải quyết được hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người dân.

“Trong tháng 4 có 100.000 xe đến hạn đăng kiểm nhưng TP.HCM chỉ giải quyết được khoảng 40.000 xe. 60.000 xe chưa kịp đăng kiểm sẽ dồn qua tháng 5, cộng với lượng phương tiện dự kiến đến hạn đăng kiểm của tháng 5 khoảng 70.000 xe nữa thì con số dự kiến khoảng 130.000 xe cần phải đăng kiểm.

Với số lượng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, con người hiện tại, công suất chỉ đạt 50% nhu cầu nên tình hình căng thẳng sẽ tiếp diễn", ông An nhận định.

Tình trạng quá tải cũng xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn Hà Nội. Nhiều chủ xe phản ánh số lượng đăng ký qua app tại các trung tâm đã kín đến hết tháng 5.

Ghi nhận của phóng viên sáng nay tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29.08D (Hoài Đức, Hà Nội), có khoảng 35% số xe đến kiểm định trong tình trạng đã quá hạn, số còn lại đều cận ngày.

Trung tâm này nhận đặt lịch đăng kiểm dưới 2 hình thức trực tiếp (hẹn sau 1 tuần) và qua app (hẹn sau 15 ngày).

Tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 29.03V (Đống Đa, Hà Nội), lãnh đạo trung tâm cho biết, đơn vị chỉ phát phiếu hẹn trực tiếp trước 1 tuần. Hiện tại, đã phát số hẹn đến giữa tháng 5. Mỗi ngày trung tâm thực hiện kiểm định 160 xe, trong đó có khoảng 20-30 xe đã quá hạn đăng kiểm.

2,5 triệu xe cần đăng kiểm trong 6 tháng tới

Lý giải tình trạng ùn tắc ngày càng gia tăng, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Chiến Thắng cho rằng do năng lực hiện tại của các trung tâm đăng kiểm không đủ đáp ứng. Cùng với đó là việc thiếu hụt trung tâm đăng kiểm, dây chuyền kiểm định và đăng kiểm viên.

Đến nay, trong số các trung tâm đăng kiểm bị đóng cửa, mới có 66 trung tâm khôi phục hoạt động (còn 40 trung tâm đăng kiểm khác chưa thể mở cửa). Thế nhưng ngay cả với 66 trung tâm đang hoạt động thì công suất cũng chỉ ở mức tối thiểu khoảng 1-2 dây chuyền, thay vì 3-4 dây chuyền như trước đây. Hiện năng lực kiểm định chỉ khoảng 550.000 xe/tháng.

Trong khi đó, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện nay số lượng xe đến kỳ nhưng chưa được kiểm định là hơn 800.000 xe, số lượng xe phải kiểm định trong 6 tháng tới khoảng 1,7 triệu xe. Như vậy, tổng số lượng xe cần được kiểm định trong 6 tháng là khoảng 2,5 triệu xe.

“Để giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng, ùn tắc cần ít nhất 6 tháng để kiểm định hết số lượng xe nêu trên, chưa kể trường hợp xe phải kiểm định lại. Đặc biệt, khu vực Hà Nội và TP.HCM có mật độ xe cao nên sẽ phải kéo dài thời gian hơn”, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay.

Phương án giải quyết ùn tắc trong 2 tháng

Trước thực trạng quá tải đăng kiểm, mới đây Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam (VATA), Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có các văn bản kiến nghị Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện giãn chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải từ 9 chỗ ngồi trở xuống (xe gia đình) ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đề xuất giải pháp trên với Bộ GTVT và cho rằng, nếu giải pháp này được triển khai thì theo tính toán thời gian giải quyết tình trạng ùn tắc là khoảng 2 tháng tính từ thời điểm áp dụng.

Hiện nay, đây là giải pháp duy nhất để giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm trong thời gian sớm nhất. Bởi vì, số lượng xe 9 chỗ không kinh doanh vận tải đến hạn kiểm định hàng tháng chiếm từ 33% - 43% tổng số phương tiện đến hạn kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm, đặc biệt là tại khu vực Hà Nội và TP.HCM.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, với 3,1 triệu xe gia đình có tỷ lệ đạt kiểm định ngay từ lần đầu lên tới 95% thì việc cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định với nhóm đối tượng này chắc chắn sẽ đủ để "hạ nhiệt" công tác kiểm định hiện nay. 

Được biết, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã kiến nghị Bộ GTVT có văn bản đề xuất Thủ tướng cho phép ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021 theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Cần nâng cấp ứng dụng phần mềm đăng ký đăng kiểm

Để giải quyết bài toán quá tải đăng kiểm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM Bùi Hòa An kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm chủ động đầu tư mua sắm mới các trang thiết bị nhằm tăng số lượng dây chuyền kiểm định; Cân đối, bổ sung, bố trí kịp thời lực lượng đăng kiểm viên tại các đơn vị đăng kiểm đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ công tác kiểm định.

Sở GTVT TP.HCM cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm phục hồi hoạt động các trung tâm đăng kiểm để góp phần tăng khả năng đáp ứng nhu cầu kiểm định phương tiện của người dân.

Ngoài ra, kiến nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam nâng cấp ứng dụng phần mềm đăng ký đăng kiểm, sớm xử lý và khắc phục các tồn tại trong đăng kiểm qua app như đăng ký trùng lặp, đăng ký nhưng không đăng kiểm…