Vợ chồng anh Nguyễn Thái Hà, 28 tuổi ở Hưng Hà (Thái Bình) cưới nhau xong dắt díu ra Hà Nội lập nghiệp. Khi lên Hà Nội, anh chị mang theo 70 triệu đồng.
Qua nhiều ngày khảo sát, vợ chồng anh thuê một căn nhà cấp 4 chỉ 15m2 ở mặt đường Lĩnh Nam, Hà Nội với giá 4 triệu đồng/tháng. Cũng may, chỗ thuê trọ tuy lụp xụp nhưng gần trường học cấp 1, trường mầm non. Vì thế, vợ anh quyết định mua chiếc xe bán nước mía để ở ngoài quán. Bên trong, chị bán thêm bánh rán, bánh chuối, nem chua rán và một số đồ ăn vặt khác.
“Vì nhà tôi mới chuyển đến nên cửa hàng nhỏ của vợ cũng không đông khách. Song, vợ tôi rất kiên trì. Nhờ cô ấy chế biến đồ ăn sạch sẽ, lại nấu ăn ngon và giá thành hợp lý, các gia đình tin tưởng mua đồ ăn vặt cho con nhiều lên mỗi ngày.
Có ít tiền, anh Hà quyết định vay ngân hàng mua ô tô chạy dịch vụ |
Tới nay, sau 2 năm kinh doanh bán nước mía và đồ ăn vặt, vợ tôi cũng có thu nhập ổn định. Chỉ có điều lúc nào cô ấy cũng luôn chân luôn tay, tất bật dù đã thuê thêm một thợ phụ rồi”, anh Hà nói.
Trong khi vợ bán hàng, anh Hà lái ô tô thuê cho một gia đình kinh doanh. Công việc cho thu nhập 15 triệu/tháng song anh hay phải đi giao hàng ở các tỉnh, vì thế anh Hà buồn chán.
Thấy vợ tự gây dựng được công việc cho bản thân một cách khá dễ dàng nên anh Hà sốt ruột. Không muốn đi làm công ty phụ thuộc vào người khác, anh Hà bàn tính với vợ vay tiền ngân hàng để mua một chiếc xe ô tô chạy dịch vụ. Nghĩ đó cũng là một giải pháp tốt, tạo công ăn việc làm cho chồng nên vợ anh đồng thuận.
“Khi tính chuyện mua xe, vợ chồng tôi rà lại tất cả tiền bạc trong nhà thì chỉ có 230 triệu. Vì thế, chúng tôi mạnh dạn làm thủ tục vay ngân hàng thêm ngân 400 triệu nữa. Tổng cộng chúng tôi có 630 triệu đủ mua một chiếc xe ô tô mới để chạy dịch vụ”, anh Hà kể.
Vay ngân hàng 400 triệu mua ô tô trả góp trong 2 năm với lãi suất 10%/năm, vợ chồng anh Hà lựa chọn hình thức thanh toán tiền lãi theo dư nợ giảm dần để giảm bớt gánh nặng tài chính. Theo đó, số tiền phải thanh toán với ngân hàng hàng tháng là gần 20 triệu đồng.
“Số tiền gốc phải trả hàng tháng = Số tiền vay/Số tháng vay. Tiền lãi tháng đầu tiên = Số tiền vay x lãi suất 1 tháng. Số tiền lãi thứ n = Số tiền vay còn lại x lãi suất 1 tháng.
Như nhà tôi vay 400 triệu, trả góp trong 2 năm với lãi suất 10%/năm thì số tiền gốc phải trả hàng tháng = 400 triệu/24 tháng = 16,67 triệu đồng. Tiền lãi tháng đầu tiên = 400 triệu x 10%/12 tháng = 3,33 triệu đồng. Tiền lãi tháng thứ 2 = (400 - 16,67) x 10%/12 tháng = 3,19 triệu đồng. Cứ như thế, mức lãi suất các tháng tiếp theo sẽ được tính theo công thức trên và giảm dần trong suất quá trình vay”, anh Hà nhẩm tính.
Như số tiền thu được không đủ nuôi người, nuôi xe và trả nợ, anh đã phải bán lỗ một nửa (ảnh minh họa) |
Sau khi mua xe, anh Hà mới thấy công việc này không hề đơn giản và phát sinh quá nhiều chi phí. Điều này khiến nguồn thu của anh dù gấp đôi so với trước nhưng chỉ đủ để trả lãi vay ngân hàng hàng tháng, phí nuôi xe.
Theo người đàn ông này, một tháng anh phải trả ngân hàng cả gốc và lãi gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh phải đóng thêm khoảng 8 triệu tiền nuôi xe bao gồm: xăng xe, bảo dưỡng. Khoản tiền này do chạy xe dịch vụ nên hơi cao.
“Trong khi đó, mỗi tháng ngoài các khoản tiền trên, tôi phải kiếm ít nhất được 10 triệu tiền lương cho bản thân và khoảng 5 triệu khấu hao xe. Tổng để trả nợ ngân hàng, tiền nuôi xe, tiền lương cho mình và khấu hao xe, tôi phải chạy xe được khoảng 32 triệu/tháng mới đủ. Vì thế, ngày nào tôi cũng cày, nắng mưa chẳng dám nghỉ vì nghĩ đến số tiền hơn 30 triệu kia. Chưa kể trong quá trình chạy xe, nhiều khi rủi ro gây tai nạn, phải bồi thường thì mất luôn một khoản”, anh Hà kể lại.
Chạy xe 1 năm, mỗi tháng cho thu nhập từ 30-35 triệu đồng nhưng anh Hà thấy quá vất vả mà không lãi nhiều nên có ý định bán xe. Nhưng qua tham khảo, giá bán xe giảm chỉ còn một nửa so với giá ban đầu nên anh xót ruột không bán.
“Dù xe không lăn bánh nhiều nhưng vẫn rớt giá thê thảm. Vì thế, tôi lại cố đâm lao theo lao, nghĩ cày tiền thêm một năm để trả nợ ngân hàng. Thế nhưng, suốt từ đầu năm đến nay do dịch Covid-19 nên khách đi xe không nhiều và ế ẩm. Giờ tiền thu được hàng tháng có lúc mới chỉ đủ trả lãi ngân hàng huống chi đến việc đưa tiền cho vợ đi chợ ăn hàng ngày hay tiền nuôi xe”, anh Hà than thở.
Sau gần 2 năm chạy xe dịch vụ, anh Hà quyết định bán xe cho với giá 280 triệu đồng. “Nếu biết trước mua xe mới chạy dịch vụ thất bại thế này tôi đã gửi 230 triệu của vợ chồng vào ngân hàng lấy lãi. Sau đó, tôi vẫn lái xe thuê ăn lương có khi vợ chồng còn có đồng ra đồng vào mà không phải khổ sở thế này”.
Nói về quyết định bán xe để trả tiền vay ngân hàng, anh Hà tự rút ra bài học: “Nếu vợ chồng dư dả tiền, tôi mua xe chạy dịch vụ còn được. Đằng này muốn kiếm lời mà tôi đi vay ngân hàng số tiền lớn để mua xe thì đúng là sai lầm. Đấy, nhìn ô tô hoành tráng vậy nhưng thua cả xe nước mía ở quán hàng ngày của vợ tôi. Nhưng ít ra cũng còn may vì bán được xe. Chứ nhiều bạn bè của tôi, muốn bán xe mà không được. Vì thế, ai đang tính vay tiền ngân hàng mua xe mới chạy dịch vụ thì suy nghĩ cho kỹ”.
Thảo Nguyên