Ngày 22/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Sóc Trăng) cho biết, sau gần 5 tháng thành lập, đơn vị đã tiếp nhận, xử lý trên 20 tin báo, tố giác liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Điển hình như anh T.N. (ngụ TP Sóc Trăng). Không đủ tiền mua ghế massage tặng mẹ, anh T.N. lên mạng, thấy trang facebook “Hỗ trợ cho vay tín chấp cuối năm 04” nên đã vào xem và được tư vấn hỗ trợ cho vay số tiền 20 triệu đồng.
Bằng nhiều thủ đoạn, các đối tượng đã dẫn dụ anh T.N. liên hệ với các tài khoản facebook khác nhau để hỗ trợ làm hồ sơ vay. Sau đó đưa ra các lý do như sai thông tin, sai thao tác để yêu cầu anh nộp các khoản tiền vào số tài khoản chúng yêu cầu.
Theo anh T.N., sau khi hệ thống báo đăng ký thành công, người tư vấn báo lại rằng sai thông tin, thiếu số nhà, yêu cầu anh chuyển khoản 5 triệu đồng nhằm mục đích ủy quyền căn cước công dân để làm lại, còn không thì lên trụ sở ký tên.
Khi biết trụ sở ở Hà Nội, người đàn ông này đã chuyển vào tài khoản của người tư vấn số tiền nói trên để nhờ làm.
“Kiểm tra tài khoản mà các đối tượng tạo cho tôi có 25 triệu đồng, trong đó 20 triệu đồng vay và 5 triệu đồng chuyển làm lại hồ sơ. Tôi bấm rút tiền nhưng hệ thống tiếp tục báo lỗi, yêu cầu phải nạp thêm 15 triệu đồng làm lại hồ sơ khác. Tôi đã chuyển khoản 7 lần với tổng số tiền 130 triệu đồng, trong khi khoản vay thì không rút được”, anh T.N. chia sẻ.
Một nạn nhân khác là chị T.D. (ngụ tỉnh Sóc Trăng). Chị được mời chào làm nhiệm vụ đặt đơn hàng trên một website để kiếm lợi nhuận, với mỗi đơn hàng sẽ được 0,5% hoa hồng.
“Lần đầu tiên tôi tham gia vẫn rút tiền được bình thường. Sau đó, tôi được bạn giới thiệu, rủ tham gia chương trình cặp đôi. Nghĩ rằng cũng giống như những lần trước nên tôi đồng ý”, chị T.D. nhớ lại.
Những lần đầu nạp tiền rất bình thường, đến thời điểm người phụ nữ chuẩn bị nhận được tiền thì các đối tượng lừa đảo lại đưa ra hộp quà may mắn với phần thưởng hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên, kèm theo đó là điều kiện phải nạp bao nhiêu tiền để đáp ứng đủ đơn hàng đó thì mới cho chị T.D. tiếp tục hoạt động chương trình.
Thủ đoạn lừa đảo diễn ra nhiều lần, nhưng vì tiếc số tiền đã bỏ ra, chị T.D. đã tiếp tục nạp thêm vào. Hậu quả, chị bị các đối tượng lừa số tiền hơn 120 triệu đồng.
Thượng tá Phan Sỹ Vinh, Trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết, nguyên nhân để xảy ra tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là do người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp khó khăn về mặt tài chính, có nhu cầu vay vốn nhanh thông qua các trang web, đường link, app vay tiền nhanh cho nên dễ bị các đối tượng lừa.
“Trong thời gian tới, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, đơn vị xác định phải tập trung vào công tác tuyên truyền về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để triển khai các mặt công tác, tăng cường công tác quản lý trên không gian mạng; phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông, hệ thống ngân hàng để phục vụ cho công tác đấu tranh, xử lý với các loại tội phạm liên quan đến lừa đảo”, Thượng tá Phan Sỹ Vinh chia sẻ.