Sòng phẳng mà nói, VFF khoá 8 là nhiệm kỳ "yên ả" bậc nhất của tổ chức này. Mặc dù có những xáo trộn ở vị trí đầu tàu, nhưng rõ ràng gần 5 năm, VFF gạt hái được nhiều thành quả bậc nhất, so với 7 nhiệm kỳ trước đó.

Bóng đá Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 là sự tương phản gần như hoàn toàn so với nhiệm kỳ 7 (2012 - 2017), bởi nhiệm kỳ 7 là giai đoạn khó khăn của đội tuyển nam và U23 quốc gia.

Trong 5 năm, VFF đã phải thuê tới 5 HLV khác nhau, trong khi một loạt cầu thủ sau thành công ở giai đoạn 2008, 2009 đã lớn tuổi cũng như không còn giữ được phong độ tốt, các cầu thủ trẻ thiếu kinh nghiệm chưa đủ khả năng thay thế.

Nhưng sang giai đoạn 2018 - 2022, đội tuyển nam và U23 quốc gia gặt hái được những thành công ngoài sự mong đợi, luôn duy trì trong top 100 trên bảng xếp hạng của FIFA (cao nhất là hạng 92), góp phần nâng cao hình ảnh và uy tín của bóng đá Việt Nam ở khu vực.

HLV Park Hang Seo giúp bóng đá Việt Nam thành công trong 5 năm qua. Ảnh: Hoàng Hà

Sự thành công của bóng đá Việt Nam gắn liền với HLV trưởng Park Hang Seo. Chiến lược gia người Hàn Quốc gắn bó 5 năm và cùng các đội tuyển U22, U23, ĐTQG giành nhiều chiến tích lịch sử.

Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ vừa qua, VFF cùng VPF nâng cao chất lượng các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, cải thiện được một phần cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động.

Kết quả tốt mà bóng đá Việt Nam có được đến từ việc các CLB và VFF chú trọng hơn vào phát triển bóng đá trẻ. Các cầu thủ trẻ có cơ hội thi đấu nhiều với các đội tuyển có trình độ cao ở các cấp độ khác nhau (đặc biệt là lứa cầu thủ sinh năm 1997,1998 tham dự giải U20 Thế giới) trong suốt một quá trình dài trong giai đoạn trước đã tạo tiền đề dẫn đến thành công của giai đoạn sau.

VFF đánh giá các CLB quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo trẻ điển hình như: HAGL, Hà Nội, Viettel, PVF, SLNA…  kết hợp với sự nỗ lực tăng cường đầu tư của Bộ VH, TT&DL, Tổng cục TDTT và Liên đoàn bóng đá Việt Nam.

Các đội tuyển được quan tâm trong công tác tuyển chọn, tập huấn nước ngoài cũng như tham dự các giải đấu giao hữu để nâng cao kinh nghiệm thi đấu cho các cầu thủ trước khi bước vào các giải đấu chính thức đã mang lại rất nhiều hiệu quả tích cực. 

Ngoài các yếu tố như trên cũng không thể không nhắc đến sự hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài: Giám đốc kỹ thuật, HLV trưởng, các HLV thể lực, chuyên gia phân tích hiệu suất, chuyên gia y tế…

VFF đánh giá trong bản tổng kết nhiệm kỳ khóa 8 giai đoạn 2018- 2022 thành công nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại, được thể hiện bằng các thành tích: vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết cúp châu Á 2019, lần đầu tiên giành quyền tham dự Vòng loại thứ World Cup 2022; Á quân U23 châu Á 2018, vào bán kết môn bóng đá nam Asiad 2018, Hai lần giành HCV SEA Games năm 2019 và 2022.

Bóng đá nữ Việt Nam lần đầu tham dự World Cup

Trong khi đó, bóng đá nữ cũng 3 lần liên tiếp giành HCV tại SEAGames vào các năm 2017, 2019, 2022, và đặc biệt là tấm vé lịch sử tham dự World Cup 2023.

Ngoài ra, các đội tuyển futsal, bóng đá bãi biển nam-nữ cũng ghi nhiều dấu ấn, đặc biệt là lần thứ 2 tham dự World Cup của tuyển futsal nam Việt Nam.

Với các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là V-League, hạng Nhất và cúp Quốc gia, theo đánh giá của VFF trong giai đoạn 2018-2022, các giải đấu được tổ chức chuyên nghiệp, nhiều trận đấu diễn ra sôi nổi, quyết liệt và kịch tính đã để lại những cung bậc cảm xúc, ấn tượng khó quên trong lòng người hâm mộ.

Chất lượng V-League đi lên

Dù vậy, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ cuối năm 2019 đến nay, nên việc tái ký với các nhà tài trợ từ những mùa giải trước cũng như tìm kiếm các nhà tài trợ mới cho các giải đấu gặp nhiều khó khăn, thời gian gấp rút, khối lượng công việc lớn, nhà tài trợ đưa ra nhiều quyền lợi và mức kinh phí tài trợ còn hạn chế.

Một số CLB do kinh phí hạn hẹp nên không thể tiếp tục tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (CLB Than Quảng Ninh, An Giang và Tây Ninh). Chất lượng một số trận đấu ở giải hạng Nhất thấp, cơ sở vật chất nhiều đội bóng còn thiếu...