Bao lâu nữa Việt Nam sẽ có điện hạt nhân?
Ông suy nghĩ gì về quyết định dừng dự án điện hạt nhân lần trước?
Chính phủ Việt Nam khi dừng dự án đã yêu cầu những cơ quan có liên quan báo cáo, đặc biệt là tác động về kinh tế.
Theo tôi, tác động lớn nhất là đối với đội ngũ cán bộ mà chúng ta đã đào tạo. Khởi đầu dự án này, chúng ta đã cử rất nhiều cán bộ đi học ở nước ngoài, đặc biệt là các trường đại học đã mở chuyên ngành này và có nhiều sinh viên theo học.
Có khoảng 300-400 người đi học và tốt nghiệp ở Nga, Nhật, nhưng hiện nay đã chuyển làm những công việc không đúng chuyên môn.
Lần này nếu không “tái khởi động” sớm thì khi ta thực sự “khởi động” sẽ lại không có nhân lực, lại bắt đầu đào tạo từ đầu, đó là một sự lãng phí rất lớn.
Tại thời điểm này, tôi nghĩ có thể huy động được đội ngũ mà thời gian vừa qua đã đào tạo được.
Về mặt thuận lợi, về cơ bản chúng ta vẫn còn một đội ngũ chuyên gia có thể tư vấn hiệu quả cho Chính phủ về điện hạt nhân, khi nào làm và làm như thế nào.
Ngoài ra, chúng ta còn có đội ngũ chuyên gia là Việt kiều ở nước ngoài. Nhiều người rất nhiệt tình, tâm huyết và mong muốn tham gia. Vấn đề là Chính phủ cần có chính sách trọng dụng các chuyên gia trong nước cũng như ở nước ngoài.
Ông luôn thể hiện sự say mê và lạc quan với ngành điện hạt nhân Việt Nam. Vậy với việc tái khởi động dự án điện hạt nhân lần này, ông cho rằng khoảng bao lâu nữa Việt Nam sẽ có điện hạt nhân?
Tôi phát biểu có nguyên tắc, tức là tôi căn cứ theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), những kinh nghiệm mà mình đã trải qua và kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện theo hướng dẫn của IAEA.
Nếu năm 2025, Việt Nam quyết định tái khởi động dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân, và chúng ta làm hết sức tích cực, thì 10 năm sau chúng ta sẽ có điện hạt nhân.
Cá nhân tôi vẫn học tập và suy nghĩ, tìm hiểu nghiên cứu để khi nhà nước tái khởi động dự án, tôi có thể tiếp tục đóng góp. Đây là dự án rất quan trọng, là tâm huyết trong cả một đời nghiên cứu về lĩnh vực hạt nhân của tôi.
Cân nhắc về công nghệ, tỷ lệ điện hạt nhân
Về vấn đề an toàn hạt nhân, bây giờ đang có xu hướng là thay vì các lò phản ứng hạt nhân cỡ lớn, mô-đun các loại lò nhỏ (Small Modular Reactor - SMRs) đang được nghiên cứu áp dụng ở một số quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro. Việc này có thể áp dụng tại Việt Nam không, thưa ông?
Hiện nay, Việt Nam đang bắt đầu xem xét tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tôi nghĩ rằng vấn đề lựa chọn công nghệ rất quan trọng.
Tham gia dự án điện hạt nhân giai đoạn trước, chúng tôi từng xây dựng các tiêu chí để lựa chọn công nghệ mà theo đó, một trong những tiêu chí rất quan trọng là các công nghệ phải được kiểm chứng, tức là phải được vận hành an toàn trong thời gian nhất định ở trên thế giới.
Với những lò công suất nhỏ và trung bình, hiện nay có rất nhiều thiết kế, nhưng trong thực tế chưa có lò nào để vận hành. Nếu kiểm chứng cũng phải mất vài chục năm.
Cho nên, ít nhất trong khoảng vài ba chục năm nữa, nếu chúng ta phát triển điện hạt nhân, vẫn nên dùng các công nghệ đã được kiểm chứng.
Đó chính là công nghệ với công suất lớn và làm lạnh bằng nước thuộc thế hệ 3+ hoặc là thế hệ thứ 4, tức là những thế hệ có yêu cầu rất cao về an toàn và đã được xây dựng ở một số nước.
Ví dụ như Nga đã xây dựng và vận hành cho chính nước Nga và cho Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh. Hàn Quốc xây dựng cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Với Bangladesh, họ bắt đầu với điện hạt nhân sau Việt Nam. Nhưng cuối cùng, chúng ta lại đến đích chậm hơn họ. Tôi thấy họ làm rất bài bản, chúng ta cũng cần tham khảo, học hỏi những kinh nghiệm dù nhỏ của Bangladesh về dự án điện hạt nhân.
Nhìn vào một nước Bắc Âu như Phần Lan, thì điện hạt nhân chiếm tỷ lệ rất cao (25,3 TWh, chiếm 35%). Ông nhận xét thế nào về tỷ lệ này?
Thứ nhất, một số nước ở châu Âu có dân số ít. Thứ hai, là nước nhỏ nên chỉ cần đầu tư vài tổ máy thì tỷ lệ sẽ dễ dàng cao.
Tuy nhiên, nếu tỷ lệ điện hạt nhân cao quá, có nguy cơ khi nhà máy không may gặp sự cố trục trặc phải dừng, lấy điện ở đâu cung cấp? Họ sẽ mất an ninh năng lượng.
Nước Nhật ngày trước rất muốn đẩy tỷ lệ điện hạt nhân lên hơn 50%, nhưng giờ chỉ đặt mục tiêu tỷ lệ điện hạt nhân đạt khoảng 20%. Hiện tại, tỷ lệ điện hạt nhân ở nước này là ở mức 5,5% trong năm tài chính 2022. Cần biết là điện hạt nhân từng chiếm 25% sản lượng điện của quốc gia này trước thảm họa Fukushima (năm 2011).
Kinh nghiệm từ trong và sau thảm họa Fukushima, là khi một tổ máy gặp sự cố, những tổ máy khác cũng bắt buộc phải dừng để kiểm tra. Lúc đó lấy đâu ra điện để cung cấp cho sản xuất, an ninh, sinh hoạt?
Với Việt Nam, tỷ lệ điện hạt nhân cũng cần phải tính toán kỹ bao nhiêu là hợp lý. Đây có lẽ là một chính sách trong Luật Điện lực sửa đổi mà Quốc hội đang thảo luận hoặc trong Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam sắp tới.
Ông đánh giá thế nào về nguồn nhiên liệu cho các lò phản ứng?
Về nguyên tắc, với lò phản ứng nghiên cứu, chúng ta dùng nhiên liệu độ giàu cao hơn, khoảng 20%, còn với lò năng lượng như nhà máy điện chỉ khoảng 5%.
Mặc dù Việt Nam có lượng uranium nhất định tuy không nhiều ở Nông Sơn, Quảng Nam, nhưng không được phép làm giàu. Vậy nên, nhiên liệu cho lò phản ứng hạt nhân vẫn phải nhập khẩu.
Tuy nhiên, lượng nhiên liệu cần cho lò chạy tiêu tốn rất ít, chúng ta có thể nhập về dự trữ cho nhiều năm. Khác với than cần hàng triệu tấn/năm, nhiên liệu cho lò hạt nhân chỉ cần vài chục tấn cho nhà máy cùng công suất 1000 MW.
Ngoài ra, cấu thành của giá điện từ giá nhiên liệu rất thấp đối với nhà máy điện hạt nhân. Trong khi điện than hay điện khí, giá nhiên liệu chiếm hơn 50%. Nếu giá nhiên liệu tăng gấp đôi thì giá điện hạt nhân không tăng bao nhiêu. Đây cũng là một ưu việt của điện hạt nhân.
Xin cảm ơn ông!