Video: Chủ tịch xã An Thuỷ, ông Lê Văn Quyết đang lội nước cứu trợ bà con
Suốt những ngày căng thẳng nhất đợt lũ vừa qua, ông Lê Văn Quyết ngày nào cũng ngâm mình dưới nước, nghe điện thoại “cháy máy” cả ngày lẫn đêm. Đến hôm nay, vị chủ tịch xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình trò chuyện với PV trong tình trạng vừa nói vừa phải dừng lại vì những cơn ho.
Nhưng khi hỏi về những việc mà ông đã làm trong đợt lũ lịch sử vừa qua, ông chỉ cười xoà và nói: “Không riêng mình, mà tất cả anh em đều vất vả. Thậm chí, có những đồng chí như Phó Trưởng Công an xã đã ‘chiến đấu’ từ những ngày đầu tiên đến giờ. Mình còn có khi được ngồi ở uỷ ban vì phải trực, đợi chỉ đạo của cấp trên”.
Xã An Thuỷ là một trong 2 xã ngập sâu nhất của huyện Lệ Thuỷ đợt lũ vừa qua. Theo thống kê sơ bộ của vị lãnh đạo xã, có khoảng 20 ngôi nhà bị đánh sập, các công trình phụ là khoảng 60-70 cái. “Còn tài sản, vật nuôi thì thiệt hại vô cùng lớn, te tua hết cả rồi. Chỉ có một số trâu bò là còn giữ được, gà vịt thì mất nhiều”.
Ông Quyết chia sẻ, nước lũ năm nay so với mùa lũ lịch sử năm 2011 dâng cao hơn tới 1,8 mét, còn so với trận đại hồng thuỷ năm 1979, nước cũng phải cao hơn tới 1,5-1,8 mét. “Các cụ già 80-90 tuổi nói rằng, từ nhỏ tới lớn chưa thấy bao giờ”.
Nước lũ dâng cao ở xã An Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình những ngày trước đó. |
Vị chủ tịch xã ngâm mình trong nước lũ cứu hàng trăm người dân. |
Trong những ngày nước lũ dâng cao nhất, cả xã An Thuỷ chỉ có duy nhất một chiếc thuyền nhỏ, bị thủng một miếng to bằng bàn tay. Thế nên, đội cứu hộ phải vừa lái thuyền vừa tát nước.
“Đội cứu hộ xã gồm 4-5 người chủ đạo. Khi nào có người mệt quá thì anh em bên ngoài phụ giúp, thay ca”.
Suốt những ngày ấy, họ làm việc cả ngày lẫn đêm, điện thoại không kịp bỏ xuống bởi những cuộc gọi kêu cứu, hỏi thăm… “Có nhiều người làm ăn xa quê, không liên lạc được với người thân, cũng gọi cho mình để hỏi thăm tình hình, kêu cứu cho người ở nhà. Rồi các đoàn cứu trợ, bà con cả nước hỏi thăm cũng gọi một số này nên tôi nghe điện thoại suốt ngày đêm. Cả mấy anh em nữa, chứ không riêng mình, nhiều khi phải ngủ ngồi. Có ngày mệt quá, tôi phải giao lại điện thoại cho đồng chí phó chủ tịch, nhờ trực giúp 1 ngày, chứ mình không nghe nổi luôn”.
Chia sẻ về công tác cứu trợ những ngày lũ lớn, vị chủ tịch xã nói: “Vất vả nhất vẫn là lực lượng công an xã. Anh em phải ngâm nước cả ngày vì tuy thuyền nhỏ vào được đến nhà dân nhưng nhà nào cũng phải lội ra, lội vào để cõng, bế bà con ra thuyền. Có những lúc anh em phải xếp hàng để bà con bám tường, đi trên vai mình ra thuyền”.
Những ngày sau, tuy có cano lớn của huyện hỗ trợ nhưng lại không vào được tận nhà dân, các anh vẫn phải dùng thuyền nhỏ đi vào để đưa bà con ra cano hoặc tiếp tế hàng cứu trợ vào.
“Tất cả bà con nhà thấp đều được đưa ra uỷ ban, trường học. Ngoài ra, nhà nào cao, xây 2 tầng trở lên đều cho các gia đình khác ăn ngủ nhờ. Bà con ai cũng nhiệt tình cưu mang, hỗ trợ lẫn nhau”.
Ngay chính ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông cũng là nơi trú ngụ tạm thời của 11 hộ gia đình gồm tổng thể 33 người ăn ngủ, sinh hoạt trong suốt 3-4 ngày nước dâng cao nhất. “Mình tận dụng tất cả các gian, từ phòng khách, phòng ngủ, phòng thờ, nằm đến khi nào chật thì thôi. Thời điểm ấy, bất tiện nhất vẫn là nước sinh hoạt, vấn đề vệ sinh…”.
Dù thuyền nhỏ vào được tận nhà dân nhưng đội cứu hộ vẫn phải lội xuống nước để đưa bà con ra. |
Suốt một tuần chống lũ, cũng có đôi lần anh em gặp phải những trường hợp khó khăn. Ông kể về một trường hợp: Gia đình có 7 người kêu cứu, nhà có tầng trên vượt lũ, nước thì không thể ngập được, đồ ăn cũng đủ cả nhưng sóng to khủng khiếp. Gia đình sợ sập nhà nên đã gọi cứu trợ. Nhưng gia đình đó lại nằm ở rìa làng, sóng lớn quá, thuyền của xã nhỏ không vào được. Khi xã gọi cano của huyện về thì cano lại to quá, không vào được. Cuối cùng, sau 1 ngày rưỡi, 7 người trong gia đình mới được di dời ra khỏi căn nhà.
“Nhưng vừa đưa bà con lên bờ xong thì chúng tôi bị họ mắng là cứu hộ chậm. Dù anh em đã làm hết cách nhưng mình vẫn phải xin lỗi bà con, mong bà con thông cảm vì thuyền nhỏ thì bị sóng đánh, còn thuyền to thì mắc đường hẹp. Bà con cũng chỉ vì lo lắng cho tính mạng của mình nên mới nổi nóng, anh em cũng không để bụng”.
Lại có những trường hợp ngược lại. “Con cháu ở xa gọi cho chúng tôi nhờ cứu hộ người nhà. Nhưng khi vào đến nhà thì bà con không chịu di dời, nói nhà cao thế này làm sao ngập được. Những trường hợp ấy cũng mất nhiều thời gian nhưng anh em vẫn vui vẻ vì nhân dân phục vụ”.
“Đến lúc nước rút, bà con tá túc ở uỷ ban đã bật khóc khi chào tạm biệt chúng tôi ra về. Mọi người rất xúc động về tình cảm của anh em dành cho bà con trong những ngày qua. Đó cũng là nguồn động viên lớn cho chúng tôi”.
“Và niềm vui lớn nhất là cả xã có 12 ngàn dân nhưng may mắn chúng tôi không có thiệt hại về người” - ông Quyết nói.
Vất vả ngày đêm nhưng luôn sẵn sàng tinh thần 'chiến đấu' |
Ông cũng chia sẻ, sau khi nước rút, ông được về nhà nghỉ ngơi 1 ngày, nhưng sau đó lại có thông báo cơn bão mới, “biệt đội tinh nhuệ” lại tiếp tục túc trực ở uỷ ban.
“Nói thật là đến giờ, cả 4-5 anh em đều lăn ra ốm. Cứ sáng tới uỷ ban uống thuốc, đến chiều về lại uống bữa nữa. Rất may là bên trạm xá chăm sóc chúng tôi rất tận tình. Có hôm anh em cạo gió, bấm huyệt cho rồi bắt uống thuốc mới được đi tiếp”.
Hiện tại, nước đã rút nhiều, chỉ còn một số đoạn đường trũng bị ngập. Bà con đã ai về nhà nấy để dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa. Nhưng công việc của các cán bộ xã thì vẫn đầu tắt mặt tối, chỉ khác là bớt nguy hiểm hơn mấy ngày trước đó.
“Hiện tại mỗi ngày có hàng chục đoàn cứu trợ tới. Chúng tôi đang tập trung phân phối hàng cứu trợ cho bà con. Và khoảng 1 tháng nữa là vào vụ đông xuân, chúng tôi cũng phải liên hệ với các đơn vị để chuẩn bị cung cấp giống lúa cho bà con” - ông Quyết cho biết.
Chia sẻ chân thành về công tác nhận hàng cứu trợ, vị chủ tịch xã nói: “Từ thời điểm trước, bà con đã nhận được rất nhiều hàng cứu trợ của cả nước gửi về, từ cơm gạo, bánh trái cho tới mỳ tôm, quần áo. Nhưng bây giờ mỗi khi có đoàn cứu trợ liên hệ, chúng tôi cũng xin chia sẻ thật rằng cơm gạo vẫn quý nhưng về cơ bản bà con đã hết đói rồi. Quần áo cũng đã đủ, nếu nhận mà bỏ đó thì cũng gây phản cảm, nên xin nhờ bà con không cần gửi thêm nữa. Thứ cần nhất bây giờ là tiền để bà con mua cây giống, dụng cụ làm nông và sửa sang lại nhà cửa”.
Dân vùng lụt: 'Nếu có máy phát điện, dân làng ra quỳ lạy luôn'
Một người dân trong lúc xúc động đã thốt lên một câu khiến cả đoàn lặng người: “Nếu thôn chú có máy phát điện, dân làng ra quỳ lạy luôn”.
Nguyễn Thảo