Từ nhà hàng đến quán cóc đều sử dụng ví điện tử
Cách đây 2 tuần, chị My (TP.HCM) ghé một quán cafe nhỏ bên đường, gọi một ly sinh tố trong lúc chờ khách. Thật bất ngờ, trên quầy thanh toán của quán cafe nhỏ không máy lạnh với vỏn vẹn vài cái bàn có đầy đủ các hình thức thanh toán từ ví MoMo, VNPay đến Moca (đối tác của Grab)... Khi đề nghị thanh toán MoMo, chủ quán tỏ ra hoàn toàn bình thường, không có vẻ ngạc nhiên hay khó chịu gì.
Trước đây, khi nói đến thanh toán di động, nhiều chủ quán sẽ có chút e ngại, vẫn thích được trả bằng tiền mặt nhiều hơn.
Có thể thanh toán bằng MoMo ở một quán ăn rất bình dân tại Quận 1, TP.HCM. Ảnh: H.Đ |
Chị Nhã (Tân Bình, TP.HCM) cũng cho biết gần đây quán bánh cuốn gần nhà đã cho thanh toán bằng Moca. Tại đây, mỗi lần trả tiền qua ví này sẽ được hoàn lại 20.000 đồng, đủ để mua một ổ bánh mỳ hay vài ly nước mía - rất đáng để thử phương thức thanh toán đó. Tương tự trường hợp trên, chủ quán mặc dù bận bịu đổ bánh cuốn nhưng vẫn nhẹ nhàng hướng dẫn khách cách quét mã QR Code đặt sẵn trên quầy. Việc thanh toán diễn ra nhẹ nhàng và chủ quán không kiểm tra xem tiền đã được trả hay chưa vì bận phục vụ khách khác.
Các phương thức thanh toán như MoMo, Moca, ZaloPay, Samsung Pay,... có mặt trước tiên ở các hệ thống siêu thị, nhà hàng lớn. Một năm trở lại đây các đơn vị này đã bắt đầu len lỏi đến nhiều hàng quán nhỏ như trên.
Thanh toán điện tử đã hình thành được vài năm trở lại đây và phát triển với tốc độ khá nhanh. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm.
Tính đến cuối năm 2018, cả nước có 23 đơn vị được cấp giấy phép thành lập ví điện tử, số điểm chấp nhận thanh toán qua ví đạt 10.000 điểm và con số này đang không ngừng tăng cao trong năm 2019. Hiện nay không chỉ các nhà hàng, chuỗi hệ thống mới cho thanh toán qua ví điện tử mà các quán nhỏ, thậm chí là quán vỉa hè cũng đã cho thanh toán qua mã QR.
Để thu hút người dùng, các ví điện tử như MoMo, Moca… thường xuyên tung ra chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng. Và kết quả đạt được khá khả quan.
Theo số liệu từ MoMo vào cuối năm 2018, đơn vị này đã có hơn 10 triệu người dùng, chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Khối lượng giao dịch của MoMo cũng tăng gấp 3 lần trong năm 2018. Như vậy, so với dự báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số người dùng ví điện tử tại Việt Nam đã vượt dự kiến (dự kiến đến năm 2020 Việt Nam đạt 10 triệu người sử dụng ví điện tử).
Hàng loạt phương thức thanh toán tại một quán bánh mì. Ảnh: H.Đ |
Khách hàng vẫn do dự khi quyết định tham gia thanh toán điện tử
Tuy nhiên, không phải việc dùng ví luôn luôn thuận lợi. Có nhiều khách hàng cho biết cũng hay gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.
Cách đây vài ngày, chị Nhã tự tin bước vào quán Coffee House gần nhà, gọi món và rút điện thoại ra thanh toán, thì nghe nhân viên thông báo: “Em xin lỗi, mạng bên em gặp sự cố, chị có thể thanh toán tiền mặt không?”. Hôm đó, chị lại không mang tiền mặt nên khá lúng túng.
Chị Thanh Nhàn, một người bán online trên trang Shopee cũng cho biết đang băn khoăn không biết có nên đăng ký ví trên trang này hay không, bởi khi đăng ký, đến bước yêu cầu nhập tài khoản và mật khẩu của Internet Banking thì chị cảm thấy rủi ro và quyết định tạm ngừng để… hỏi ý kiến bạn bè.
Những vấn đề như lo bị mất tiền, lộ thông tin bảo mật, phiền toái khi thanh toán… là những lo lắng mà người dùng gặp phải khi quyết định tham gia mở ví điện tử hay các hình thức thanh toán di động khác.
Lường trước những rủi ro này, các ví điện tử, các ứng dụng ngân hàng,... thường xuyên nhắc nhở khách hàng tạo mật khẩu mạnh, không chia sẻ mã OTP, phòng tránh các trang giả mạo để lấy tài khoản,...
Mặc dù có những nỗi lo nhất định nhưng vì sự tiện dụng, số lượng điểm chấp nhận tăng lên, chương trình khuyến mại nhiều, các công ty fintech đang phát triển rất tốt lượng người dùng. Có thể nhìn thấy tương lai vài năm nữa người dùng các thành phố lớn ra đường sẽ không cần mang ví, thậm chí không cần mang thẻ thanh toán, tạo một tiền đề vững chắc cho chính sách không dùng tiền mặt đang được chính phủ thúc đẩy.