Bệnh bạch hầu trở lại
Sau gần 20 năm không xuất hiện ca bệnh, mới đây tỉnh Hà Giang ghi nhận hơn 30 ca nghi mắc bệnh bạch hầu, đã có ca tử vong.
Đáng chú ý, các ca bệnh đều từ 4 tuổi trở lên, ca tử vong 15 tuổi có yếu tố dịch tễ không rõ ràng khi không đi ra khỏi địa phương và không tiếp xúc với người mắc bệnh, trong gia đình không ai mắc bệnh tương tự.
Trước đó, vào tháng 5/2023, tỉnh Điện Biên cũng ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong là bé gái 10 tuổi cũng không có yếu tố dịch tễ rõ ràng.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheria gây ra, dễ lây lan qua đường hô hấp hoặc gián tiếp tiếp xúc với vi khuẩn. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao từ 5 - 10%. Với các triệu chứng ban đầu như viêm thanh quản, nổi hạch dưới hàm, bệnh có thể biến chứng thành viêm thanh quản gây khó thở, viêm phổi, viêm cơ tim, tổn thương đa cơ quan… dẫn đến tử vong trong vòng 6 - 10 ngày. Biến chứng có thể xảy ra trong những ngày đầu của bệnh hoặc cũng có thể xảy ra chậm vài tuần sau khi khỏi bệnh.
Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là các nơi có mật độ dân cư cao. Nhờ chương trình tiêm chủng mở rộng, tính đến năm 2012, Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc bạch hầu xuống dưới 0,01/100.000 dân. Đa số trường hợp mắc đều tản phát hoặc ổ bệnh bạch hầu nhỏ trên quy mô thôn, xã và thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Các chuyên gia cảnh báo bệnh bạch hầu chưa được loại trừ ở nước ta, do đó người dân vẫn có thể mắc bệnh nếu chưa tiêm vắc xin phòng bệnh và tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang trùng. Bệnh thường xảy ra hơn ở những tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn do tiếp cận hoạt động tiêm chủng còn hạn chế cũng như chưa nắm được đầy đủ thông tin và hiểu rõ về vai trò quan trọng của vắc xin phòng bệnh.
Ngoài ra, theo thời gian, miễn dịch từ tiêm vắc xin bạch hầu sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng người dân thường bỏ quên hoặc không biết phải tiêm vắc xin nhắc lại để nâng cao kháng thể phòng bệnh.
Để phòng tránh bệnh, người dân cần chú ý vệ sinh khử khuẩn, đeo khẩu trang, vệ sinh sạch sẽ và tiêm phòng vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch và tiêm nhắc lại theo khuyến cáo.
Bệnh bạch hầu dễ lây cho đối tượng nào?
Theo BS. Bạch Thị Chính, Giám đốc Hệ thống tiêm chủng VNVC, bệnh bạch hầu không chừa một ai, bất kỳ người nào cũng có thể mắc bệnh. Các nhóm đối tượng dễ mắc bệnh hơn là có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm phòng vắc xin; trẻ em chưa được tiêm vắc xin; thanh thiếu niên và người lớn chưa được tiêm vắc xin nhắc lại; người có bệnh lý gây suy giảm hệ miễn dịch; người sống trong môi trường không vệ sinh hoặc quá đông đúc, chật hẹp.
“Bệnh bạch hầu có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh hiện nay chỉ tập trung phòng bệnh cho trẻ nhỏ mà chưa nhận thức đầy đủ về việc tiêm chủng vắc xin nhắc lại cho thanh thiếu niên, khiến độ tuổi này hình thành “khoảng trống miễn dịch". Trong khi đó, thanh thiếu niên là đối tượng đang ở độ tuổi học đường và tham gia nhiều vào các hoạt động giao tiếp xã hội nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao, tỷ lệ mắc và diễn biến bệnh nặng sẽ cao hơn”, BS Chính lý giải.
Theo BS. Chính, nước ta hiện đang có nhiều loại vắc xin phòng bệnh bạch hầu, phù hợp với mọi độ tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ. Riêng tại VNVC, hệ thống với gần 130 cơ sở tiêm chủng trên cả nước hiện có đầy đủ vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho cả trẻ em và người lớn. Trẻ có thể tiêm vắc xin 6 trong 1 Hexaxim (Pháp), Infanrix Hexa (Bỉ) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib, viêm gan B hoặc vắc xin 5 trong 1 Pentaxim (Pháp) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, Hib. Khi 16-18 tháng, trẻ cần tiêm nhắc 1 mũi vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1.
“Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh”, BS. Chính cho hay.
BS. Chính cũng tư vấn thêm, khi vào cấp 1, trẻ cần tiêm một mũi tiêm vắc xin 4 trong 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. Lên cấp 2, trẻ cần tiêm vắc xin Boostrix (Bỉ)/Adacel (Canada) phòng 3 bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván hoặc vắc xin Td (Việt Nam) phòng bạch hầu hấp phụ, uốn ván. Trẻ lớn và người lớn có thể lựa chọn tiêm 1 trong 2 loại vắc xin này để phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván bất cứ thời điểm nào và cũng nhắc lại mỗi 10 năm.
“Hiện tại, trẻ đã trở lại trường học, và đây là môi trường dễ lây lan bệnh tật. Các phụ huynh nên rà soát trẻ cần tiêm nhắc các loại vắc xin gì để bảo vệ kịp thời cho con”, BS. Chính lưu ý.
Ngọc Minh