Chị Lê Thu Hương (41 tuổi, trú tại Sông Công, Thái Nguyên) cho biết khoảng một năm nay chị thường xuyên bị bóng đè khi ngủ, ngay cả lúc nghỉ trưa. Mỗi lần xuất hiện tình trạng bóng đè, người phụ nữ này cảm giác như ai bóp cổ mình, khó thở, vã mồ hôi, kêu cứu nhưng không ai giúp dù vẫn nghe tiếng người xung quanh nói chuyện. Tình trạng này khiến chị sợ ngủ, cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, căng thẳng. 

Thăm khám cho chị Hương, bác sĩ Hoàng Sầm, Chủ tịch Viện Y học Bản địa Việt Nam, cho biết bệnh nhân bị suy nhược, rối loạn giấc ngủ gây nên hiện tượng này chứ không phải do thế lực siêu nhiên nào.

Theo bác sĩ Sầm, hiện tượng bóng đè thực ra là ảo giác. Trước đây, người ta coi bóng đè là hiện tượng siêu nhiên hay do tâm linh. Ngày nay, các nhà khoa học giải mã cảm giác này là hệ quả của tình trạng rối loạn giấc ngủ mà nguyên nhân là khả năng điều tiết vòng tuần hoàn “thức - ngủ” của não bộ bị đứt quãng.

Khi ngủ, con người bước qua 5 giai đoạn: ru ngủ, ngủ nông, ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ. Các giai đoạn diễn ra theo thứ tự thành một chuỗi chu kỳ. Ở giai đoạn ngủ sâu và rất sâu, bạn đang mơ. Cơ bắp bị tê liệt, não vẫn có ý thức nên bạn tưởng tượng rằng mình đang gặp thế lực nguy hiểm. 

Các biểu hiện của bóng đè:

Thứ nhất, người bị bóng đè thường thấy có người lạ vào phòng mình đang ngủ hoặc đang đi lại xung quanh trong phòng ngủ thậm chí có người ảo giác thấy rõ người ngồi trên giường ngủ của mình. Khi đó, họ có cảm giác sợ và cảm thấy khó thở, cơ thể tê cứng. Khi thức dậy họ thấy mệt mỏi, cơ thể đau. Đây là do những cơn co cơ khi đang ngủ.

Thứ hai, cảm thấy ngộp thở, bụng tê dại, vùng ngực như có ai đè và có thể họ vùng vẫy nhưng khi oxy lên não họ mới tỉnh dậy. Những người thần kinh suy nhược thường gặp triệu chứng này. Vì vậy, nhiều người sợ ngủ vì bóng đè càng khiến họ suy nhược hơn.

Thứ ba, người ngủ cảm thấy mình đang rơi từ trên cao xuống đất. Họ có cảm giác đau đớn như thật. Người bị bóng đè cảm giác rất thật nhưng họ không bao giờ cảm thấy chạm chân được tới đáy. Họ có trạng thái lơ lửng nên sợ hãi và tỉnh giấc. Biểu hiện toàn thân vã mồ hôi, tim đập nhanh, chân tay co quắp, khoảng vài phút sau họ mới bình tĩnh phát hiện đó chỉ là giấc mơ.

Để phòng bóng đè, bác sĩ Sầm khuyến cao bạn nên nằm ngủ ở phòng thông thoáng không khí. Khi đi ngủ nên mặc quần áo thoải mái, hạn chế dùng chất kích thích như trà hay cà phê trước khi đi ngủ. Trong sinh hoạt, bạn nên ăn uống điều độ, tránh lo lắng quá mức, giữ tâm lý thoải mái.

Bác sĩ Sầm cho biết bạn có thể sử dụng thêm các loại gối thảo dược giúp giấc ngủ sâu. Trường hợp triệu chứng bóng đè xuất hiện quá nhiều lần bạn có thể tìm tới các chuyên gia y tế nhờ hỗ trợ để ngủ ngon hơn.