Ngày 3/3 tới đây, kỳ họp thứ 4 Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội)
Trung Quốc khóa 12 bắt đầu phiên họp kéo dài cả tháng. Kể từ sau kỳ họp thứ 3 bế
mạc ngày 15/3/2015 đến nay đã có tới 48 đại biểu không thể có mặt tại kỳ họp năm
nay. Nguyên nhân họ bị loại khỏi danh sách đại biểu gồm đủ loại: bị bãi chức,
xin từ chức vì phạm tội, chết vì tự tử, chết vì bệnh, bỏ đi mất tích…
Mạng Quan sát (Trung Quốc) ngày 29/2 đã đăng bài phân tích về tình hình 48 đại
biểu quốc hội bị loại khỏi danh sách này:
11 quan tham bị quật ngã
Tô Thụ Lâm |
Danh sách 11 quan tham là đại biểu quốc hội bị hạ trong chiến dịch “đả Hổ” bao
gồm:
Ngụy Hồng (Tỉnh trưởng Tứ Xuyên) bị bãi miễn. Ngụy Hồng vừa bị bãi chức tỉnh
trưởng ngày 22/1/2016, ngày 4/2 bị hủy bỏ mọi chức vụ trong đảng và chức vụ hành
chính, bị giáng xuống cấp phó sở nhưng không được giữ chức vụ lãnh đạo.
Chu Bản Thuận (Nguyên UVTW, Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc): bị bãi miễn. Chu Bản Thuận
bị bắt ngày 24/7/2015, bị khai trừ đảng tịch, chuyển giao cơ quan tư pháp ngày
16/10/2015. Theo thông báo của Ủy ban kiểm tra kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản
Trung Quốc (UBKTKLTW), Chu Bản Thuận đã “phát biểu đi ngược lại tinh thần của
trung ương trong nhiều vấn đề lớn; nhiều lần ra vào hội quán tư nhân, sinh hoạt
sa đọa, tiêu dùng lãng phí; gia phong bại hoại, dung túng vợ con vi phạm; tàng
trữ riêng tài liệu mật, tiết lộ bí mật đảng và nhà nước”.
Cừu Hòa (nguyên Bí thư Vân Nam): bị bãi miễn. Cừu Hòa bị giữ lại Bắc Kinh sau kỳ
họp Quốc hội năm 2015 để điều tra. Được gọi là “quan chức minh tinh toàn quốc”,
Cừu Hòa sinh năm 1957 từng là Phó tỉnh trưởng Giang Tô, Bí thư thành ủy Côn Minh,
Bí thư tỉnh ủy Vân Nam. Ngày 31/7/2015, Cừu Hòa bị tạm giữ. Thông báo của
UBKTKLTW cho biết, Cừu Hòa đã nhận hối lộ số tiền lớn, sau Đại hội 18 vẫn không
từ bỏ, không dừng tay.
Tô Thụ Lâm, (54 tuổi, Tỉnh trưởng Phúc Kiến): xin từ chức. Tô Thụ Lâm trước đây
từng là Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc (Sinopec), tháng 10/2015 bị
điều tra, tháng 11 xin từ chức đại biểu quốc hội.
Tôn Thanh Vân (Phó Bí thư, Phó Chủ tịch Chính Hiệp tỉnh Thiểm Tây): bị bãi miễn.
Tháng 11/2015, Tôn Thanh Vân bị cách chức Phó chủ tịch Chính Hiệp, bị giáng cấp
làm Phó phòng không cho giữ chức, bị khai trừ lưu đảng 2 năm.
Cái Như Căn, đại biểu tỉnh Hắc Long Giang: xin từ chức. Căn từng là Bí thư thành
ủy Cáp Nhĩ Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; tháng 12/2015 bị điều tra vì vi phạm kỷ
luật, ngày 3/2/2016 bị chuyển sang cơ quan tư pháp. Hiện nay Viện kiểm sát tối
cao đang điều tra vụ án này.
Hầu Phụng Kỳ, đại biểu Nội Mông, sinh 1962, nguyên Bí thư thành ủy Ô Hải: xin từ
chức. Kỳ bị điều tra tháng 11/2015 do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Ngày 25/11,
Viện kiểm sát đã lập hồ sơ điều tra Kỳ về tội nhận hối lộ.
Ngô Úy Vinh, đại biểu tỉnh Chiết Giang, sinh 1963: xin từ chức. Vinh từng là Bí
thư thành ủy Đài Châu, Chiết Giang, bị điều tra từ cuối năm 2015 vì vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng.
Hồng Hàng Dũng, đại biểu tỉnh Chiết Giang: xin từ chức. Dũng từng là Phó Bí thư,
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hàng Châu. Ngày 25/8/2015 bị điều tra vì vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng, hiện đã bị bắt giam.
Cao Tiên Hải, đại biểu tỉnh Tứ Xuyên: xin từ chức. Hải từng là Chủ tịch HĐND
thành phố Nam Xung, tháng 5/2015 bị bãi chức do dính vào vụ án hối lộ trong bầu
cử HĐND, sau đó xin từ chức đại biểu quốc hội.
Ngân Bang Khắc, đại biểu tỉnh Quảng Tây: xin từ chức. Khắc sinh năm 1973, nguyên
là Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc thành phố Hà Trì; ngày 30/7/2015 bị điều tra vì
vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, bị tạm giữ từ tháng 9/2015.
4 viên tướng bị ngã ngựa
Dương Hải, đại biểu Phúc Kiến: bị bãi miễn. Dương Hải sinh 1957, Thiếu tướng
Cảnh sát vũ trang, tháng 1/2013 là Tư lệnh CSVT Tổng đội Phúc Kiến. Tháng
11/2015, Hải bị Ủy ban thường vụ HĐND tỉnh Phúc Kiến bãi miễn chức đại biểu quốc
hội.
Thẩm Đào, đại biểu Hà Nam: xin từ chức. Thẩm Đào là Thiếu tướng CSVT, nguyên
Tổng đội trưởng CSVT tỉnh Hà Nam; tháng 9/2015 bị Viện kiểm sát quân sự điều tra
về nhận hối lộ.
Uông Ngọc, đại biểu quân đội: xin từ chức. Uông Ngọc sinh 1964, nguyên Cục
trưởng Trang bị Hạm đội Nam Hải, Thiếu tướng Hải quân. Tháng 9/2015 xin từ chức
đại biểu quốc hội vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, có dấu hiệu phạm tội.
Lư Quốc Kiều, đại biểu Quân khu Lan Châu: xin từ chức. Kiều là Thiếu tướng, Cục
trưởng Liên cần QK Lan Châu, tháng 12/2014 bị Quân ủy điều tra do vi phạm kỷ
luật nghiêm trọng, tháng 3/2015 bị chuyển giao cơ quan kiểm sát quân sự xử lý
theo pháp luật.
Ngoài 14 quan chức, tướng lĩnh phạm tội nêu trên, còn có 7 đại biểu quốc hội là
chủ các doanh nghiệp quốc doanh bị bãi miễn và xin từ chức; 7 chủ công ty, xí
nghiệp tư nhân bị bãi miễn hoặc từ chức do đưa hối lộ; 7 quan chức, tướng lĩnh,
doanh nhân xin từ chức vì biến động công tác (chủ yếu về hưu) không còn phù hợp
để tiếp tục là đại biểu quốc hội.
9 trường hợp bị chết: 1 nhảy lầu tự tử khi bị
điều tra (Dương Trạch Trụ, Giám đốc Công ty chứng khoán Trường Giang), 6 người
chết vì bệnh, 2 người chết vì tai nạn giao thông. 1 người từ chức không rõ
nguyên nhân ( Trương Quốc Quân, đại biểu tỉnh Liêu Ninh, chủ xí nghiệp tư nhân,
mất tích).
Ngô Tuyết