Trong nhà nguyện của bệnh viện công duy nhất còn hoạt động tại Tacloban, những bà mẹ với vẻ mặt lo âu đang ngồi dõi theo 7 sinh linh bé nhỏ chào đời sớm hơn dự kiến.

TIN BÀI KHÁC:


{keywords}
Những đứa trẻ sơ sinh trong nhà nguyện của bệnh viện. (Ảnh: Reuters)

Đứa trẻ thứ 8, được sinh ra hai ngày sau trận cuồng phong chết người tấn công vào miền trung Philippines, đã giữ được mạng sống sau khi người bà kiệt sức của cậu sử dụng máy thông khí cơ học bằng tay để hô hấp nhân tạo cho đứa cháu mới sinh. Trong số đó, chỉ có một đứa trẻ duy nhất, khuôn mặt bị tím tái sau một ca sinh phải dùng tới kẹp fooc-xép, là có đủ sức để khóc.

Những đứa trẻ khác yên ắng một cách kỳ lạ khi chúng đang phải chiến đấu để giành giật sự sống trong một bệnh viện không có điện, không có nước và thiếu những loại thuốc men cần thiết.

Vẫn còn một sự lựa chọn y tế tại thành phố Tacloban cho các nạn nhân sống sót sau bão Haiyan. Cơn bão đã phá hủy tất cả, ngoại trừ hai bệnh viện trong thành phố và một trong số đó là bệnh viện tư.

"Chúng tôi có rất nhiều vấn đề lúc này," bác sĩ Alberto de Leon (62 tuổi), giám đốc Trung tâm Y tế Khu vực Đông Visayas cho biết, đồng thời nói thêm rằng ông gần như đã mất mạng khi nước biển tràn vào thành phố.

Tại cổng vào của bệnh viện, ngay cạnh một tấm biển đề nghị mọi người đưa các xác chết tới thẳng nhà xác, là danh sách những thứ cần thiết như: một máy phát điện, nước uống, oxy, gas, thuốc men và nhân lực.

Nguồn điện duy nhất tại trung tâm y tế này là một chiếc máy phát điện chạy bằng dầu hỏa và các bệnh nhân phải chờ tới lượt khám bệnh bên ngoài những hành lang tối tăm và nóng bức.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc không có cách nào để ngăn cản thi thể của 18 nạn nhân trong cơn bão đang bị phân hủy trong nhà xác.

"Tôi rất lo lắng những đứa trẻ sơ sinh sẽ bị nhiễm trùng bệnh viện," Leon nói. "Những xác chết ở đằng sau có thể là một mầm bệnh."

Khoảng 80 đứa trẻ đã được sinh ra tại bệnh viện kể từ khi cơn bão Haiyan quét qua Philippines. Nhiều đứa trẻ bị đẻ non vì mẹ của chúng đã được đưa vào bệnh viện với những chấn thương do siêu bão gây ra.

Philippines là một trong những quốc gia châu Á có tỷ lệ sinh cao nhất, đặc biệt là những khu vực nghèo nàn như Visayas.

Nanette Salutan, 40tuổi, người được đưa vào bệnh viện vài giờ sau khi cơn bão thổi tung mái nhà của cô tại một thị trấn nhỏ gần Tacloban.

Sau đó, cô đã ngồi xe máy suốt 2 tiếng đồng hồ, đi qua những cột điện và cây đổ, trước khi sinh non tại bệnh viện vào hôm thứ Bảy (9/11).

Sản phụ Mary Jane Tevez, 16 tuổi và chồng cô đã thoát ra khỏi ngôi nhà bị đổ nát của họ vào hôm thứ Sáu (8/11). Cô bắt đầu cảm nhận được nỗi đau không thể chịu đựng được ở vùng xương chậu khi đang cố giữ lấy mạng sống của mình bằng cách nấp dưới tấm gỗ dày.

Họ đã đặt tên cho cậu con trai của mình là Yolando, tên gọi khác của bão Haiyan.

"Đó là vì chúng tôi không muốn quên những gì chúng tôi đã trải qua và vì chúng tôi đã có một cuộc sống khác," cha đứa trẻ, Meller Balabog cho biết.

Sầm Hoa (Theo Reuters)