Nhưng hôm nay, thương hiệu mà chúng ta sẽ hướng tới chính là LG, ông lớn công nghệ lạc lối để xem đâu là nguyên do khiến LG đánh mất những gì mình có trên chiến trường khốc liệt này.
Cụm từ gây ám ảnh: Bootloop
LG từ trước tới nay vẫn là một thương hiệu điện thoại thông minh lớn, nhưng lớn không có nghĩa là việc gì tới cũng sẽ thuận buồm xuôi gió. Trong thời kì năm 2014, thương hiệu này đã gặt hái được doanh số kỉ lục, nhưng bốn năm sau đó, doanh số năm 2018 của LG chứng kiến sự sụt giảm 26% so với cùng kì năm trước, tiếp tục kéo dài chuỗi những ngày tháng đi xuống khiến các nhà đầu tư, nhà điều hành phải đứng ngồi không yên.
2015 là năm mà chuỗi sóng gió của LG bắt đầu. Đó là khoảng thời gian mà mỗi máy LG G4 – flagship lúc bấy giờ của hãng – gặp phải hiện tượng bootloop, khiến cho người dùng phải tới những trung tâm dịch vụ để sửa chữa hoặc đổi mới điện thoại. Nhưng đáng tiếc thay, những chiếc G4 được đổi mới cho người dùng cũng gặp phải lỗi tương tự, lòng tin của người dùng dành cho điện thoại LG từ đây mà sụt giảm thảm hại.
Nhằm sửa chữa thực tại ấy, LG cho ra mắt chiếc G5, lần này họ đánh cược vào điện thoại mô-đun. Với thiết kế của chiếc G5, người dùng có thể đính kèm nhiều phụ kiện khác nhau để mở rộng chức năng của điện thoại. Ý tưởng này nghe thì có vẻ hay, nhưng những gì mà LG mang tới nhằm khai thác ý tưởng này thật nghèo nàn. Điểm sáng tạo trên chiếc G5 nay đã biến thành một điểm yếu đáng trách. Số lượng mô-đun thay thế cho LG G5 lúc đó rất hạn chế, chúng cũng chẳng hữu dụng như mong đợi, và kết quả dễ đoán là chẳng mấy ai quan tâm ý tưởng mới đột phá này.
Rồi sau đó, chiếc LG G6 cũng chẳng phải là một bom tấn đáng chú ý khi mà nó chỉ được trang bị con chip Snapdragon 821 trong khi các sản phẩm cùng thời tới từ các đối thủ đã sớm phổ cập Snapdragon 835. Với cấu hình như vậy, chẳng cần phải nói, LG G6 chính là một đòn "tự sát" vào phân khúc cao cấp của LG.
ThinQ xuất hiện, kèm với đó là những ý tưởng chẳng đâu vào đâu
Sản phẩm mới nhất trong dòng G của LG chính là chiếc G7 ThinQ. Nhìn tổng thể thì đây là một thiết bị tốt, nhưng điểm yếu của nó chính là cái tên gọi. LG đã quyết định sẽ sử dụng thương hiệu ThinQ để đặt cho những thiết bị điện tử thông minh của hãng và chiếc G7 cũng chẳng phải là một ngoại lệ. Cái tên ThinQ mà LG đặt có lẽ mang hàm ý rằng nó sẽ dễ dàng kết nối với những mẫu tủ lạnh hoặc máy giặt của LG thông qua công nghệ AI của hãng. Nhưng ít ai để ý tới ý nghĩa đó, bởi vậy cái tên ThinQ đã khiến cho người dùng thêm "bối rối" bởi họ chẳng thể chắc chắn được rằng cái tên ThinQ phát âm ra sao cho chuẩn.
Không dừng lại ở đó, LG G7 ThinQ sau đó cũng được cho là có vấn đề với cách tối ưu màn hình, khiến cho thời lượng pin của máy thấp thảm hại. Chính bởi vậy mà điện thoại flagship của LG từ đó không còn nằm trong danh sách cân nhắc của người dùng.
Bên cạnh dòng G, từ năm 2015, LG còn tung ra thêm một dòng cao cấp nữa là LG V. Dòng máy mới này được thiết kế để nhắm tới đối tượng người dùng yêu thích hiệu năng cao, đồng thời nó cũng là cơ hội để LG thử nghiệm. Hai sản phẩm đầu tiên của dòng V là V10 và V20 đã gây được sự chút ý nhờ vào thiết kế màn hình phụ thứ hai giúp người dùng tạo lối tắt tới ứng dụng, thiết kế này có lẽ chính là "tổ tiên" của xu hướng tai thỏ hiện nay.
Tuy nhận được sự yêu mến của lượng lớn người dùng nhưng LG V10 và V20 vẫn không thể gạt bỏ toàn bộ những đối thủ khác ra khỏi cuộc chơi. So với những sản phẩm cạnh tranh khác, V10 và V20 có kích thước quá lớn, và có thiết kế không bắt mắt bằng. LG V10 và V20 còn cho phép người dùng tháo lắp và thay đổi pin, nhưng đổi lại chính là khả năng chống nước, đây thực sự là một cái giá chẳng cân gì so với ích lợi mà tính năng này mang lại. Kể từ sau đó, LG dần đánh mất sự liều lĩnh của mình, thiết kế của dòng V cũng từ đó mà có nét tương đồng với dòng G và những chiếc flagship khác trên thị trường. Để rồi mới đây còn có tin đồn rằng, do không đạt được kì vọng, LG có thể sẽ hợp nhất hai dòng G và V lại.
LG G7 và V40, bạn có phân biệt được?
Những điểm đáng tiếc khác
Trên chiến trường phần mềm, LG cũng không chiếm được bất kì lợi thế nào. LG nổi tiếng với phong cách lề mề trong việc cập nhật phần mềm, và thái độ chóng chán. Trong bảng xếp hạng về cập nhật phần mềm của AOSMark, LG chỉ nhận được thứ hạng 16. Không những vậy, giao diện tuỳ biến của LG trên nền Android gốc tuy không quá nặng nề nhưng nó cũng chẳng phải là giao diện nhanh nhất.
Về camera, mảng này có lẽ được LG chăm sóc khá cẩn thận khi mà các sản phẩm của LG đều camera với những thông số kĩ thuật rất tốt, LG cũng là một trong những hãng góp phần vào làm tăng sự phổ biến của camera góc rộng. Tuy nhiên, ứng dụng chụp ảnh của LG lại gặp phải hiện tượng lag, chậm. Dù LG là một trong những hãng đầu tiên thêm khả năng chỉnh tay vào phần mềm camera gốc mà không cần phải cài đặt thêm bất kì ứng dụng nào của bên thứ ba, nhưng lỗi về phần mềm đã khiến nỗ lực ấy đổ bể.
Thay vì nhanh chóng thêm tính năng chụp chân dung thì LG lại cố gắng phô trường bằng cách tích hợp trí tuệ nhân tạo vào phần mềm của máy. Điểm sáng giá gần đây nhất trên điện thoại LG chính là tính năng Triple Shot nhưng sự hữu dụng của tính năng này vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Camera trước cũng chính là một trong những điểm yếu của điện thoại LG, trong khi nhu cầu chụp ảnh selfie của người dùng chưa bao giờ có dấu hiệu suy giảm.
Dù có doanh số nghèo nàn từ quý này sang quý khác, LG không hề tìm cách điều chỉnh một trong những nhân tố quan trọng là giá thành khi mà niềm tin của người tiêu dùng dành cho công ty này dần sụt giảm. Không những vậy, LG còn không tìm cách để tách mình ra khỏi đối thủ, lẽ ra họ nên bán điện thoại với giá thấp hơn để tiếp tục duy trì cộng đồng những người ủng hộ mình. Nhưng không, điện thoại LG vẫn xuất hiện trên thị trường với giá cắt cổ mà lại không hề có những tính năng mới có thể lôi kéo ánh nhìn của người mua.
Nhìn vào mặt tích cực mà nói, nếu bạn thực sự, vì một lý do nào đó, muốn mua một chiếc điện thoại của LG, hãy chờ thêm một thời gian, giá của nó sẽ sụt giảm nhanh hơn bạn tưởng đấy!