Tuần trước, Mark Zuckerberg thông báo Meta sẽ thay đổi chính sách kiểm duyệt nội dung để cho phép mọi người thể hiện tự do hơn. CNBC nhận định, công ty mẹ Facebook đang nỗ lực hơn bất kỳ doanh nghiệp Silicon Valley nào khác để xoa dịu quan hệ với Tổng thống đắc cử. Điều này xảy ra sau gần 4 năm căng thẳng giữa hai bên trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump.

Tháng 3/2024, ông Trump vẫn gọi người đứng đầu Meta bằng biệt danh “Zuckerschmuck” và tuyên bố Facebook là “kẻ thù của con người”.

Giờ đây, khi Meta muốn trở thành người chơi chính trong lĩnh vực AI, Zuckerberg nhận thức rõ cần nhận được sự ủng hộ của Nhà Trắng. Brian Boland, cựu Phó Chủ tịch Facebook, nhận xét: “Ngay cả khi Facebook quyền lực như vốn có, nó vẫn phải ‘quỳ gối’ trước ông Trump”.

trump zuckerberg x
Quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Tổng thống đắc cử Donald Trump không mấy tốt đẹp. Ảnh: X

Meta sẽ chấm dứt dịch vụ xác thực của bên thứ ba, gỡ bỏ một số hạn chế về những chủ đề như nhập cư, bản dạng giới, đưa nội dung chính trị quay trở lại bảng tin người dùng.

Theo Zuckerberg, những thay đổi này nhằm củng cố bộ máy quản trị nội dung của Meta khi vừa qua phạm phải quá nhiều sai lầm và kiểm duyệt.

Ngay trước đó, Meta thông báo bổ nhiệm Dana White, một người bạn lâu năm của ông Trump, vào ban quản trị. Nick Clegg, Chủ tịch Đối ngoại toàn cầu, cũng bị thay thế bằng Joel Kaplan, Phó Chánh văn phòng Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George Bush. Kaplan có quan hệ mật thiết với Đảng Cộng hòa.

Nhiều nhân viên Meta đã lên tiếng chỉ trích chính sách mới và nói rằng, công ty đang từ bỏ trách nhiệm tạo ra một nền tảng an toàn. Các nhân viên cũ và mới bày tỏ lo ngại cộng đồng yếu thế sẽ bị lạm dụng trực tuyến nhiều hơn.

Bất chấp phản ứng dữ dội từ nhân viên, nguồn tin của CNBC tiết lộ, Meta sẵn sàng làm những việc như vậy sau khi sa thải 21.000 người – tương đương 1/4 nhân sự - trong năm 2022 và 2023.

Zuckerberg thay đổi thái độ với ông Trump vài tháng trước cuộc bầu cử. Sau khi ứng cử viên Tổng thống bị ám sát hụt vào tháng 7/2024, ông chủ Meta đã gọi bức ảnh ông Trump giơ cao nắm đấm với máu chảy trên mặt là “một trong những thứ ‘dũng mãnh’ nhất từng chứng kiến trong đời”.

Nhà sáng lập Facebook đã cùng một số lãnh đạo công nghệ khác đến dinh thự của ông Trump tại Florida sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ. Meta cũng quyên góp 1 triệu USD cho quỹ nhậm chức tổng thống.

Theo nguồn tin, Zuckerberg – người từng 8 lần điều trần trước Quốc hội Mỹ trong hai đời Tổng thống – muốn được đánh giá là một nhân vật có thể hòa hợp với cả ông Trump và Đảng Cộng hòa.

Một nhóm nhỏ lãnh đạo đã lên kế hoạch sau chiến thắng của ông Trump và khi năm 2025 bắt đầu, họ bắt đầu công khai những thay đổi trong chính sách.

Katie Harbath, cựu Giám đốc chính sách Facebook và hiện là CEO của công ty tư vấn công nghệ Anchor Change, chia sẻ Meta thường trải qua cuộc đại tu sau mỗi cuộc bầu cử để phù hợp với nhu cầu kinh doanh và uy tín của mình dựa trên bối cảnh chính trị.

“Năm 2028, họ sẽ lại điều chỉnh”, bà nói.

Chẳng hạn, năm 2016, khi ông Trump trúng cử, Zuckerberg đã đi khắp nước Mỹ và gặp gỡ mọi người ở những bang ông chưa từng đặt chân đến. Ông còn đăng bài viết 6.000 chữ để nhấn mạnh nhu cầu xây dựng cộng đồng trên Facebook.

Sau cuộc bầu cử năm 2020, ngay trong tâm dịch Covid-19, Meta thực hiện lập trường cứng rắn với nội dung liên quan để làm hài lòng chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Meta không cô đơn trong công cuộc “lấy lòng” Tổng thống đắc cử, song các biện pháp cực đoan mà công ty đang làm phản ánh mức độ thù địch nhất định của ông Trump trong những năm qua, theo CNBC.

Ông cáo buộc Meta kiểm duyệt nội dung và không ngừng bày tỏ bất mãn khi bị “cấm cửa” trên Facebook và Instagram trong hai năm.

Trong cuốn sách “Save America”, ông Trump cho rằng, Zuckerberg đã chống lại mình trong cuộc bầu cử năm 2020 và thề bỏ tù chung thân CEO Meta nếu lặp lại điều này.

(Theo CNBC, Insider)