Theo Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm xe máy có 2 loại là bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện.

Ngoài việc tham gia hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, chủ phương tiện có thể thỏa thuận với doanh nghiệp bảo hiểm để tham gia hợp đồng bảo hiểm tự nguyện.

Phí tối thiểu đối với bảo hiểm tự nguyện là 10.000 đồng/người/năm, xe máy được chở tối đa 2 người nên có giá 20.000 đồng/2 người/năm.

Loại bảo hiểm này là tự nguyện nên người dân có quyền sử dụng hoặc không sử dụng. Bảo hiểm nhằm mục đích đề phòng trường hợp người điều khiển xe xảy ra tai nạn, rủi ro.

Theo quy định, ngoài phần bồi thường từ bảo hiểm bắt buộc, người tham gia giao thông sẽ được nhận thêm một khoản bồi thường từ bảo hiểm tự nguyện.

{keywords}
Sau khi CSGT ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông, nhiều người dân bắt đầu tìm mua bảo hiểm ôtô, xe máy. Ảnh: H.N.T.

Chủ phương tiện không phải xuất trình bảo hiểm tự nguyện khi CSGT kiểm tra giấy tờ. Trường hợp người tham gia giao thông không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực, trong khi có bảo hiểm tự nguyện vẫn bị phạt tiền 80.000-120.000 đồng, theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Bảo hiểm tự nguyện được bày bán nhiều trên các vỉa hè tại Hà Nội, TP.HCM. Tuy nhiên, chuyên gia bảo hiểm cho rằng loại bảo hiểm này không đảm bảo bởi không được cơ quan chức năng kiểm định nên có thể là hàng giả, hàng sai quy định.

Người dân nên đến các đại lý phân phối, ủy quyền hoặc các công ty bảo hiểm mô tô, xe máy để mua, tránh trường hợp khi xảy ra tai nạn sẽ không được bồi thường.

Trong khi đó, bảo hiểm xe máy bắt buộc hướng đến việc giúp cho người mua bảo hiểm bồi thường thiệt hại cho bên thứ ba. Trong các trường hợp xảy ra rủi ro, tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm, người điều khiển xe mô tô, xe máy có bằng lái hợp pháp sẽ không phải đền bù cho người bị va chạm và cho người ngồi trực tiếp trên xe.

Thay vào đó, đơn vị bảo hiểm sẽ thay cho chủ xe tiến hành việc chi trả phần trách nhiệm dân sự này. Cụ thể, mức trách nhiệm bảo hiểm của đơn vị bảo hiểm đối với thiệt hại về người do xe cơ giới gây ra là 100 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn.

Bên cạnh việc bồi thường cho chủ xe, một phần của số tiền bảo hiểm sẽ được sử dụng để hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông. Trong trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm cũng sẽ được hỗ trợ bồi thường nhân đạo cho nạn nhân số tiền lên đến 20 triệu đồng/người.

(Theo Zing)