Học tập phương Tây
Ban đầu chính quyền Tokugawa đã cho phép Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha đến buôn bán và truyền đạo. Và sau khi nhận ra ý đồ can thiệp vào nội bộ Nhật Bản của các quốc gia phương Tây này, chính quyền Tokugawa đã ra thực hành chính sách “bế quan toả cảng”, nhưng vẫn mở một cửa biển ở vịnh Nagasaki cho Hà Lan đến buôn bán.
Trong quan điểm của Nhật Bản, Hà Lan là tư bản thương nghiệp chứ không phải là tư bản công nghiệp, cho nên không đủ tiềm lực can thiệp vào Nhật Bản. Nhật Bản thông qua Hà Lan để tiếp thu kỹ thuật phương Tây, tạo ra tư tưởng “Hà Lan học”, sau này được giai cấp tư sản Nhật Bản sử dụng làm ngọn cờ tư tưởng cho cuộc cách mạng dân chủ tư sản (1868).
Sau sự kiện tàu chiến Mỹ đến buộc Nhật Bản “mở cửa” (1842), chính quyền Tokugawa đã ký với nhiều nước tư bản phương Tây các hiệp ước “bất bình đẳng”. Đó là Hiệp ước Hoà thân Nhật – Mỹ, Hiệp ước Anh – Nhật, Hiệp ước Nga – Nhật, Hiệp ước Hà Lan – Nhật (1854); Hiệp ước Nhật – Mỹ và các Hiệp ước sửa đổi giữa Nhật Bản với các nước tư bản khác (1858)…
Nước Nhật có điểm khác trong cơ cấu kinh tế - chính trị - xã hội so với các nước phương Đông khác. Đó là sự kết hợp tính chất tập quyền phương Đông với tính chất phân quyền phương Tây. Cho nên trong quan hệ với phương Tây, Nhật Bản cũng thực hiện chính sách đóng cửa nhưng khác với các nước khác, Nhật Bản đóng cửa để phát triển tiềm lực quốc gia (thời kỳ Tokugawa).
Nhà cải cách người Nhật Bản Fukuzawa Yukichi (1835-1901) vào năm 1862 |
Do đó, trong thời kỳ đóng cửa, sự tự thân vận động của nội tại kinh tế Nhật Bản đã tạo ra được sự biến chuyển về kinh tế - xã hội. Do vậy, từ tầng lớp thị dân thời Tokugawa, giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc tư sản hoá ra đời và đủ sức tiến hành công cuộc Minh Trị Duy Tân đất nước thành công theo hướng một cuộc cách mạng dân chủ tư sản.
Đứng trước các nước phương Tây đã đi trước về sự tiến bộ xã hội, chính quyền phong kiến Nhật Bản cũng ý thức được rằng: Muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, dân tộc thì phải cải cách. Không cải cách thì tất yếu sẽ bị diệt vong. Bởi vậy, sau khi lật đổ được nhà Tokugawa thì đã diễn ra Minh Trị Duy Tân (1868).
Lĩnh vực giáo dục được ưu tiên hàng đầu trong cải cách. Các môn học chuyển chủ yếu từ học thuộc Kinh Sử sang Khoa học-Kỹ nghệ-Thương mại. Mô hình đại học được áp dụng theo hình mẫu phương Tây và tư nhân được phép mở trường. Chất lượng dạy học cũng như chương trình chịu ảnh hưởng của phương Tây nhiều mặt.
Điển hình như việc soạn sách với 80% sách vở và tài liệu chuyên ngành được biên soạn theo mẫu của phương Tây. Trong thời gian đầu cải cách giáo dục, ước tính có tới 500 giảng viên nước ngoài giảng dạy tại 15 trường đại học đầu tiên của Nhật.
Các giảng viên này được trả lương rất cao, 300 Yên/tháng so với lương công chức Nhật thời bấy giờ là 30 Yên/tháng và hỗ trợ tốt về ăn ở, đi lại nhằm mục đích để họ cống hiến hết mình. Giảng viên Nhật có thể học hỏi phương pháp của các giáo sư nước ngoài này và những học sinh giỏi được cử sang du học ở nước ngoài.
Trong bài “Thoát Á luận” đăng ngày 16/3/1885 trên báo Jiji Shimpo (Thời sự Tân báo), Fukuzawa Yukichi (1835-1901), được xem là người có công mở đầu phong trào canh tân nước Nhật, đã kêu gọi đất nước “tách ra khỏi hàng ngũ các nước châu Á, đuổi kịp và đứng vào hàng ngũ các nước văn minh phương Tây”.
Fukuzawa Yukichi cũng ủng hộ việc bành trướng lãnh thổ của Nhật theo học thuyết xã hội kiểu Darwin. Ông cho rằng, chỉ những quốc gia mạnh nhất mới có thể sinh tồn thông qua một quá trình chọn lọc. Nghĩa là, Nhật Bản phải đi xâm chiếm nước khác, nếu không thì chính Nhật sẽ bị thôn tính.
Bên cạnh đó, Fukuzawa hy vọng một màn trình diễn về sức mạnh quân sự của Nhật sẽ làm chấn động dư luận ở phương Tây và giúp Nhật Bản tránh khỏi số phận bị xâu xé như ở Trung Quốc. Với hy vọng về một Nhật Bản mạnh mẽ, Fukuzawa đã xem các quốc gia châu Á vừa là mối đe dọa, vừa là cơ hội để Nhật thể hiện sức mạnh quân sự và chiếm làm thuộc địa.
Về quân sự, quân đội Nhật Bản lúc này đã được tổ chức và huấn luyện theo kiểu phương Tây. Lục quân theo mô hình của Đức, hải quân theo mô hình Anh, các công xưởng và nhà máy vũ khí theo mô hình công binh Pháp, hệ thống hậu cần học hỏi rất nhiều từ nước Mỹ.
Quân đội Nhật Bản áp dụng chế độ nghĩa vụ quân sự thay cho chế độ trưng binh và tăng cường mua và sản xuất vũ khí, đạn dược. Kèm theo đó là mời các giảng viên quân sự nước ngoài về để giảng dạy và đưa các sinh viên sĩ quan đến một số nước như Anh, Pháp học tập.
Sau đó, với nội lực mạnh, Nhật Bản gây chiến với Trung Quốc (1894), Nga (1904) và liên minh với Anh (1902) nên đã xé bỏ các Hiệp ước “bất bình đẳng”. Thậm chí Nhật Bản đã nối gót các nước phương Tây để tiến hành chiến tranh xâm lược với tham vọng phân chia lại thế giới.
Đỉnh cao tham vọng của nước Nhật là trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945) khi quân đội nước này đã tấn công quân Mỹ tại Trân Châu Cảng (1941) và xâm chiếm toàn bộ Trung Quốc cùng các quốc gia Đông Nam Á.
Lợi thế “khu đệm”
Ngoài Nhật Bản, Xiêm cũng giữ được độc lập trước phương Tây. Xiêm cũng phải ký những hiệp ước “bất bình đẳng” với Hà Lan, Mỹ, Anh, Pháp… Trong đó nổi bật là việc Xiêm nhường ảnh hưởng của mình ở Lào, Campuchia cho Pháp, Đông Bắc Malaysia cho Anh.
Cải cách trở thành biện pháp duy nhất nhằm tăng cường nội lực, chống chọi lại ngoại lực phương Tây của Xiêm. Đất nước này cũng đã thi hành chính sách mở cửa rộng rãi. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế – chính trị - xã hội ở Xiêm đã có sự thay đổi, đưa đến sự ra đời của giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc “tư sản hoá”.
Đây chính là lực lượng xã hội hậu thuẫn cho cuộc cải cách của vua Chulalongkorn (1853-1910) từ năm 1868 đến năm 1910. Trong 42 năm, vua Chulalongkorn luôn nỗ lực hiện đại hóa vương quốc và bãi bỏ chế độ nô lệ. Chulalongkorn là vua Xiêm đầu tiên đưa hoàng tử sang châu Âu du học. Ông công du châu Âu hai lần, giới thiệu với các nhà cầm quyền châu Âu rằng Xiêm là một quốc gia hiện đại.
Vua Chulalongkorn (1853-1910) trị vì từ năm 1868 đến năm 1910 |
Từ chỗ lợi dụng lợi thế nhiều nước đến hai nước (Anh và Pháp) đã cho phép Xiêm cân bằng được thế lực của các nước phương Tây trên lãnh thổ nước mình.
Bên cạnh đó, vị trí “khu đệm” (nằm giữa các vùng tranh chấp của Anh và Pháp) càng tạo điều kiện thuận lợi hơn để Xiêm bảo toàn độc lập dân tộc. Tuy nhiên, trên thực tế Xiêm độc lập về chủ quyền nhưng phụ thuộc về kinh tế, chính trị đối với phương Tây.
Đến đời vua Vajiravudh (1880-1925) trị vì từ 1910-1925, nhà nước Xiêm đã thúc đẩy sự sáng tạo và chủ nghĩa dân tộc. Vua Vajiravudh cũng đã hiện đại hóa quân đội, đưa binh sĩ Xiêm gia nhập lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918).
Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra vào tháng 9/1939, Thái Lan (đổi tên từ Xiêm từ ngày 23/6/1939) đã tuyên bố trung lập. Tuy nhiên, Thái Lan đã gây chiến với quân Pháp ở Đông Dương sau khi nước Pháp thất thủ năm 1940. Mục tiêu của người Thái là giành lại những vùng đất đai mà họ đã mất vào tay phương Tây.
Ngày 25/1/1942, sau khi bị nước Nhật giật dây, Chính phủ Thái Lan tuyên chiến với nước Mỹ và Vương quốc Anh. Sau sự suy yếu của quân đội phát xít Nhật vào cuối thế chiến, một nhóm quân đội Thái Lan làm đảo chính vào ngày 1/8/1944, lật đổ chính phủ thân Nhật và ngay lập tức chuyển nước Thái từ một đồng minh của Nhật thành đồng minh của Mỹ.
Sau chiến tranh, Thái Lan không bị lực lượng Đồng minh chiếm đóng, nhưng phải trả lại các lãnh thổ chiếm được trong chiến tranh.
Nguyễn Văn Toàn
“Điệp viên có ảnh hưởng” khiến Liên Xô tan rã
Alexander Yakovlev, “kiến trúc sư cải tổ” Liên Xô đã bị vạch mặt là “điệp viên có ảnh hưởng” của Mỹ.
Chân dung lãnh đạo Liên Xô khiến chiến lược gia Mỹ ngả mũ kính phục
Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984) là nhà lãnh đạo Liên Xô được nhân dân tin tưởng, tín nhiệm rất cao.