Một đề xuất nhỏ của bài viết này là nguyên tắc này cần được dịch là “giả định vô tội” mới sát nghĩa và tránh gây hiểu lầm.

Khi thảo luận về Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga đã thẳng thắn nhận định rằng việc “suy đoán có tội” diễn ra phổ biến trong hoạt động tư pháp. Điều đó có nghĩa rằng nguyên tắc “suy đoán vô tội” (SĐVT) trong Hiến pháp đã bị xâm phạm một cách phổ biến trên thực tế. Có nhiều nguyên nhân cho thực trạng này. Trong đó, bài viết này phân tích một lý do ít khi được đề cập tới: đó là cách sử dụng thuật ngữ.

{keywords}

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga đã thẳng thắn nhận định rằng việc “suy đoán có tội” diễn ra phổ biến. Ảnh: Minh Thăng

Trước hết, cần phải khẳng định Hiến pháp Việt Nam không sử dụng thuật ngữ SĐVT mà sử dụng một câu diễn đạt nội hàm của nguyên tắc SĐVT. Nguyên tắc này lần đầu tiên được Việt Nam chính thức ghi nhận tại Điều 72 Hiến pháp 1992: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”.

Gần đây, Hiến pháp 2013 một lần nữa khẳng định và làm rõ hơn nguyên tắc SĐVT tại khoản 1 Điều 31: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Truy từ gốc gác tiếng Anh, chúng ta thấy thuật ngữ SĐVT có thể đã được dịch từ thuật ngữ “presumption of innocence” trong các tài liệu khoa học hay cụm từ “the right to be presumed innocent” trong các văn kiện quốc tế về quyền con người. Chẳng hạn, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người 1948 nêu “Everyone charged with a penal offence has the right to be presumed innocent until proved guilty” (khoản 1, Điều 11), và tương tự, Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị 1966 nêu “Everyone charged with a criminal offence shall have the right to be presumed innocent until proved guilty” (khoản 2 Điều 14).

Theo các từ điển tiếng Anh cũng như Anh - Việt, động từ “presume” có hai nghĩa: (1) dự đoán, suy đoán và (2) giả định. Theo nghĩa thứ nhất, từ điển Longman định nghĩa “presume” là “nghĩ rằng điều gì là đúng, mặc dù không chắc chắn”. Cách định nghĩa này gần với từ “đoán chừng” trong tiếng Việt. Ở mức độ chắc chắn cao hơn so với “đoán chừng”, “presume” có thể hiểu là “suy đoán”, tức là “đoán ra điều chưa biết, căn cứ vào những điều đã biết”.

Như vậy, nếu hiểu theo nghĩa thứ nhất của từ “presume”, “the right to be presumed innocent” là quyền được SĐVT của người bị buộc tội. "Suy đoán" đòi hỏi phải có thông tin, dữ kiện, tài liệu, chứng cứ để khiến con người tin vào một điều gì đó. Nếu hiểu như vậy, cơ quan điều tra rất khó có thể suy đoán vô tội vì trên nguyên tắc việc khởi tố bị can phải có chứng cứ khiến họ tin là bị can có tội.

Tôi cho rằng, luật học không sử dụng khái niệm “presume” theo nghĩa “suy đoán” như trên. Từ điển Longman nêu rõ trong lĩnh vực luật, “presume” được hiểu là “chấp nhận một điều gì đó là đúng cho đến khi nó được chứng minh là không đúng”. Đây chính là khái niệm giả định, giả thiết trong tiếng Việt.

Như vậy, “the right to be presumed innocent” cần được dịch là quyền được giả định vô tội, theo đó, người bị cáo buộc thực hiện một tội phạm được coi (được giả định) là không có tội cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được tòa án rằng bị cáo đã phạm tội. Quyền này đòi hỏi các cơ quan tiến hành tố tụng phải coi (giả định) bị can, bị cáo không phạm tội, mặc dù cơ quan chức năng có thể tin rằng bị can, bị cáo phạm tội.

Như phân tích ở trên, ngữ nghĩa tiếng Việt của "suy đoán" và "giả định" khác nhau. Tôi cho rằng cách chuyển ngữ “suy đoán vô tội” là không chính xác và gây hiểm nhầm. Cách dùng từ này khó thuyết phục được cơ quan điều tra và viện kiểm sát khi họ vốn tin vào việc phạm tội của bị can, bị cáo thông qua những bằng chứng thu thập được. Đứng về phía những cơ quan này, việc suy đoán có tội là điều hoàn toàn có thể hiểu được.

Hiến pháp Việt Nam cũng như Bộ luật tố tụng hình sự đã nội luật hóa rất chính xác nguyên tắc "presumption of innocence" trong luật quốc tế. Một đề xuất nhỏ của bài viết này là nguyên tắc này cần được dịch là “giả định vô tội” mới sát nghĩa và tránh gây hiểu lầm. Việc hiểu đúng đắn về khái niệm sẽ khiến các cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận và thực hiện nó trên thực tế cao hơn.

Bùi Tiến Đạt (Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)