1. Vị vua duy nhất nào của Việt Nam từng đỗ trạng nguyên?
- Đinh Tiên Hoàng
- Mạc Thái Tổ
- Lý Thái Tổ
- Trần Anh Tông
Mạc Thái Tổ hay Mạc Đăng Dung (1483-1541) là người sáng lập triều đại nhà Mạc trong lịch sử Việt Nam. Khi vua Lê Uy Mục còn nắm quyền, Mạc Đăng Dung đăng ký thi tuyển võ sĩ tại Thăng Long và xuất sắc đỗ Võ trạng nguyên.
Chỉ trong 20 năm, ông từ một người giữ chức nhỏ đã leo lên đỉnh cao quyền lực. Năm 1527, ông được phong làm An Hưng Vương. Tháng 6/1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi. Nhà Mạc chính thức ra đời.
2. Quê hương của ông thuộc địa phương nào ngày nay?
- Hải Dương
- Hải Phòng
- Nam Định
- Ninh Bình
Mạc Thái Tổ sinh tại làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay thuộc thôn Cổ Trai, xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng).
Tương truyền, ông xuất thân trong gia đình nghèo, chuyên làm nghề đánh cá. Từ nhỏ, Mạc Thái Tổ đã có tinh thần trượng võ và sức khỏe hơn người. Ông cũng nổi tiếng trong vùng về môn đấu vật.
Sau khi đỗ Võ trạng nguyên, ông được sung làm quân túc vệ, cầm lọng đi theo nhà vua.
3. Loại binh khí nào của vua Mạc Thái Tổ được công nhận là bảo vật quốc gia?
- Kiếm
- Đao
- Thương
- Mâu
Định Nam Đao là thanh đại đao đặt trong đền thờ tổ họ Mạc, được cho thuộc về vua Mạc Thái Tổ.
Đao dài gần 2,4m, nặng 12,8kg, làm từ chất liệu sắt và hợp kim đồng. Các chuyên gia đánh giá, Định Nam Đao nặng khoảng 15kg khi còn mới.
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Định Nam Đao là bảo vật quốc gia.
4. Sau khi bị quân của chúa Trịnh đánh bại, nhà Mạc đã bỏ Thăng Long để trấn giữ vùng đất nào?
- Điện Biên
- Cao Bằng
- Lào Cai
- Nghệ An
Nhà Mạc đến đời vua Mạc Mậu Hợp thì suy yếu, bị quân của Trịnh Tùng đánh bại, phải bỏ Thăng Long vào năm 1592. Nhà Mạc chiếm giữ vùng đất Cao Bằng, duy trì thêm 3 đời vua cho đến khi bị nhà Lê trung hưng tiêu diệt hoàn toàn.
Các sử gia nhà Nguyễn đánh giá khi rút về Cao Bằng, dù không đủ khả năng chống lại thế lực Lê – Trịnh, nhà Mạc chưa từng có ý đồ mượn sức mạnh quân sự của nhà Minh nhằm chiếm lại Thăng Long.
Di chúc của Mạc Ngọc Liễn, một vị quan lớn dưới triều nhà Mạc, có viết: “Nay khí vận nhà Mạc đã cạn, họ Lê hưng phục, đó là số trời đã định. Dân chúng vô tội mà mắc phải nạn binh đao, thật không nỡ. Cuối cùng, chớ nên mời quân Minh vào trong nước, khiến cho dân phải lầm than đau khổ. Đó là tội lớn, không có gì so được”.
5. Sau khi rời khỏi Thăng Long, nhà Mạc tồn tại thêm được bao nhiêu năm?
- 65 năm
- 75 năm
- 85 năm
- 95 năm
Nhà Mạc rời Thăng Long chạy lên Cao Bằng vào năm 1592. Đến năm 1677, nhà Mạc bị quân của chúa Trịnh tiêu diệt hoàn toàn. Tổng cộng, nhà Mạc duy trì thêm được 85 năm.