Ngày 15/3, Intel công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy khổng lồ trị giá 18,7 tỷ USD tại thành phố Magdeburg ở Đông Đức. Nhà máy này chịu trách nhiệm sản xuất linh kiện bán dẫn tiên tiến. Trước đó, gã khổng lồ vi xử lý cũng đã xây dựng 2 nhà máy ở Arizona và Ohio (Mỹ) nhằm phục vụ tham vọng của mình.
Cả 3 nhà máy là một phần trong kế hoạch giành quyền kiểm soát sản xuất linh kiện bán dẫn của CEO Intel Pat Gelsinger. Ông cho rằng Intel phải hành động để giải quyết tình trạng thiếu chip trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc bổ sung thêm các nhà máy mới cũng giúp Intel không phải phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc.
“Tình hình hiện tại càng củng cố lý do chúng tôi thực hiện dự án xây dựng nhà máy tại Magdeburg. Nhu cầu về chuỗi cung ứng và phục hồi cần được cân bằng”, Gelsinger nói.
Ảnh hưởng của chính trị
Sự khan hiếm vi xử lý đã khiến một số ngành công nghiệp như sản xuất ôtô, điện thoại thông minh và máy chơi game bị đình trệ. Thực tế này buộc Mỹ và châu Âu phải đưa ra các giải pháp nhằm tránh phụ thuộc vào các quốc gia sản xuất chip ở châu Á.
Để ủng hộ Intel, Mỹ và Liên minh châu Âu hứa hẹn sẽ hỗ trợ tổng cộng 100 tỷ USD cho công ty này để tăng sản lượng. Bên cạnh đó, họ cũng mong muốn giảm lệ thuộc vào Trung Quốc khi nước này có kế hoạch trở thành cường quốc sản xuất vi xử lý. Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lo ngại rằng việc phương Tây thúc đẩy cạnh tranh có thể phản tác dụng.
Mỹ và châu Âu không muốn lệ thuộc vào Trung Quốc trong việc sản xuất chất bán dẫn. Ảnh: DW. |
Vấn đề không chỉ nằm ở số vốn đầu tư hay thời điểm, mà những ràng buộc chính trị kèm theo khoản viện trợ có thể làm phức tạp chuỗi cung ứng toàn cầu. Các khu vực khác nhau trên thế giới sẽ thi nhau cạnh tranh để đảm bảo nguồn cung, trong khi chưa thể lắp đầy khoảng trống của các nhà máy chủ chốt trong nước.
"Các quốc gia mong muốn tự chủ và sở hữu chuỗi cung ứng riêng là do yếu tố chính trị thúc đẩy", Rudi De Winter, CEO X-Fab Silicon Foundries
Theo ông Rudi De Winter, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất chip X-Fab Silicon Foundries, chính trị đang có tác động rất lớn đến ngành công nghiệp bán dẫn. Các khu vực trên thế giới đều muốn tự chủ chuỗi cung ứng để tránh bị lệ thuộc.
“Ngành công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực kinh doanh toàn cầu và nó vẫn đang hoạt động rất tốt. Việc các quốc gia mong muốn tự chủ và sở hữu chuỗi cung ứng riêng là do chính trị thúc đẩy, không phải bởi nhu cầu của ngành công nghiệp bán dẫn”, ông Rudi De Winter nhận định.
Để minh chứng cho điều này, vi xử lý là một trong những mặt hàng đầu tiên mà phương Tây áp dụng trừng phạt lên Nga. Khi đó, các ngành công nghiệp của Nga sẽ chịu thiệt hại rất lớn, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất xe hơi. Mặt khác, Nga và Ukraine lại đang xuất khẩu paladi và neon, 2 vật liệu quan trọng được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn. Do đó, khi chuỗi cung ứng bị đứt quãng, các nước khó có thể duy trì sản lượng như bình thường.
Ngoài ra, Mỹ và châu Âu muốn giành lại thị phần chip sau khi phụ thuộc quá nhiều vào các khu vực khác trong những thập kỷ gần đây. Vào những năm 90, Mỹ chiếm gần 40% sản lượng đĩa bán dẫn, trong khi EU chiếm hơn 20%, theo số liệu của Mỹ và Liên minh châu Âu. Tuy vậy, Mỹ hiện tại chỉ dưới 15% và EU còn khoảng 10%.
Kế hoạch của Mỹ
Trong nỗ lực chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi châu Á, Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn trong nước như một phần của việc cạnh tranh với Trung Quốc. Mặc dù vậy, dự luật này vẫn đang chờ được thông qua.
“Chúng tôi đang tập trung vào việc hồi sinh ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ. Chất bán dẫn là nền tảng thiết yếu của kinh tế hiện đại”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết tại nhà máy mới của Intel ở Ohio.
Trong khi đó, 27 quốc gia thành viên của EU chỉ đang xem xét kỹ lưỡng đề xuất trị giá 48 tỷ USD gần đây của Ủy ban châu Âu để tăng năng lực chip của khối. Con số này thậm chí chưa bằng 1/3 so với Trung Quốc khi nước này có thể chi số tiền lên tới 150 tỷ USD để tăng sản lượng vào năm 2030.
Mỹ và châu Âu tăng cường đầu tư vào thị trường bán dẫn, nhưng chỉ bằng 1/3 so với Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
“Trước đây, các công ty có thể chọn địa điểm sản xuất và nơi R&D ở bất cứ đâu họ muốn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ thời điểm này đã qua. Bây giờ chúng ta đang phải cạnh tranh với cả thế giới khi nó phát triển mạnh mẽ”, ông Kurt Sievers, Giám đốc điều hành của công ty sản xuất chip NXP Semiconductors NV (Hà Lan) nhận định.
"Chất bán dẫn là nền tảng thiết yếu của kinh tế hiện đại", bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết
Bất chấp những ý kiến phản đối, CEO Intel Pat Gelsinger tin rằng việc các chính phủ tăng cường đầu tư có thể giúp Intel giảm chi phí, từ đó bắt kịp các những công ty sản xuất chất bán dẫn như TSMC và Samsung. Ngoài ra, việc này cũng giúp Mỹ và châu Âu tự chủ hơn.
Hiện tại, TSMC chiếm hơn 50% thị trường sản xuất vi xử lý toàn cầu. Khách hàng lớn nhất của TSMC là Apple.
Mỹ và châu Âu có thể cùng hợp tác
Mỹ và châu Âu sẽ thảo luận các chiến lược về thị trường bán dẫn trong khuôn khổ Hội đồng Thương mại và Công nghệ. Tuy nhiên, các nước vẫn cần nhiều thời gian để thống nhất những chiến lược phù hợp nhất.
Trong khi Mỹ tăng cường đầu tư để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, EU có kế hoạch bổ sung các khoản tài trợ để đảm bảo nguồn cung cho khối trong trường hợp khẩn cấp. Những ý tưởng này tiếp nối bài học từ đại dịch, khi Mỹ và Anh có thể tiếp cận vắc xin nhanh hơn nhờ tự sản xuất.
Ủy viên Thị trường Nội bộ châu Âu, Thierry Breton cho biết Đạo luật Sản xuất Quốc phòng của Mỹ là nguồn cảm hứng cho các đề xuất “an ninh nguồn cung” của EU. Bên cạnh đó, ông Breton nhấn mạnh rằng các kế hoạch này không mang tính bảo hộ cũng như giúp châu Âu hoàn toàn tự chủ. Thay vào đó, kế hoạch này chỉ tạo đòn bẩy cạnh tranh cho Liên minh châu Âu.
Mỹ và châu Âu muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn. Ảnh: New York Times. |
Tuy vậy, sự hoài nghi đang liên tục xuất hiện. Khoảng 10 năm trước, châu Âu từng thất bại trong việc tăng gấp đôi sản lượng chất bán dẫn. Giờ đây, mục tiêu tổng thể của EU là đạt 20% chất bán dẫn trên thế giới vào năm 2030.
Hiện tại, nhiều công ty trong khu vực đang lo ngại rằng Liên minh châu Âu quá đặt nặng vào các thế hệ chip tiên tiến, thay vì tăng cường nhu cầu thực tế. Dù sản xuất loại chip nào, những người trong ngành đều cho rằng Mỹ và châu Âu vẫn cần phụ thuộc vào châu Á, đặc biệt là do nguồn cung cấp đang rất phức tạp.
Chủ tịch TSMC Mark Liu đã nhấn mạnh vào tháng 12/2021 rằng một số hóa chất bán dẫn theo yêu cầu của Intel vẫn đang được công ty sản xuất. Nói cách khác, ngay cả những sản phẩm do Mỹ sản xuất cũng phải dựa vào thế giới bên ngoài.
Jan-Peter Kleinhans, một nhà nghiên cứu tại Tổ chức tư tưởng Stiftung Neue Verantwortung ở Berlin, cho biết các kế hoạch của Washington và Brussels đang trở nên phi thực tế. Ngoài ra, ông Kleinhans nhận định rằng tình trạng thiếu hụt vi xử lý sẽ trở nên trầm trọng hơn nếu các chính trị gia tiếp tục đưa ra các chính sách phi lý.
(Theo Zing)
Chip bán dẫn sắp tăng giá do Trung Quốc cắt điện
Kế hoạch cắt điện luân phiên của Trung Quốc đang làm xáo trộn nhiều ngành công nghiệp, trong đó có chip bán dẫn, do phụ thuộc vào sản lượng silicon sản xuất ở Trung Quốc.