Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 658/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Chương trình).
Theo đó, mục tiêu chung là: Củng cố, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng cung ứng dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe quân và dân khu vực biển, đảo; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu cụ thể chia ra 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1, đến năm 2025: 40% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 70% trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo;
70% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 80% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển; 80% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.
Giai đoạn 2, đến năm 2030: 70% bệnh viện, trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2; 100% trung tâm kiểm soát bệnh tật, trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, cơ sở y tế dự phòng quân đội tại các tỉnh có biển được đầu tư, nâng cấp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ trên khu vực biển, đảo;
70% tàu mặt nước thuộc Hải quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng được trang bị đồng bộ trang thiết bị y tế cho cấp cứu đầu tiên và thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên biển; 100% tàu cá khai thác hải sản xa bờ được trang bị tủ thuốc và dụng cụ y tế theo quy định; 100% tàu vận tải biển - tàu viễn dương thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế về bảo đảm y tế biển;
100% người dân vùng biển, đảo được tuyên truyền, phổ biến kiến thức, huấn luyện kỹ năng dự phòng bảo vệ sức khỏe, kỹ năng tự sơ cấp cứu và vận chuyển người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển, đảo.
Trong đó Bộ Y tế được giao: Chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc phê duyệt theo thẩm quyền các nhiệm vụ để triển khai Chương trình do Bộ Y tế thực hiện; Hướng dẫn xây dựng các phương án, quy chế phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý tình huống khẩn cấp về y tế trên biển, đảo theo từng cấp độ, từng khu vực,...
Đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu
Đầu tháng 8 vừa qua, tại TP. Hải Phòng, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 658 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2030.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, y học biển là chuyên ngành y học mới mẻ… Do đó, việc đầu tư nghiên cứu và phát triển hoạt động y tế biển đảo là rất cần thiết.
Mặc dù các địa phương đã quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị y tế, nhưng công tác y tế biển, đảo chưa được như mong đợi, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân, đặc biệt khi có thiên tai thảm họa và những tình huống đặc biệt xảy ra trên biển.
Trong khi đó, nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư riêng cho y tế khu vực biển, đảo còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho các lao động, nhân dân trong khu vực biển, đảo. Nguồn vốn viện trợ, vốn vay hầu hết chưa được triển khai cho hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh trên biển, đảo.
Công ước Quốc tế về lãnh thổ quy định rõ: “Lãnh thổ của một quốc gia bao gồm vùng đất (kế cả vùng biển) có thường dân sinh sống, đồng thời phải có các hoạt động kinh tế, văn hóa và xã hội diễn ra thường xuyên”; cho nên sự hiện diện của người dân trên đảo và các đội tàu đánh bắt cá xa bờ có ý nghĩa to lớn trong việc khẳng định chủ quyền lãnh hải và đảm bảo giữ vững chủ quyền an ninh trên biển của đất nước.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng đánh giá, tổ chức mạng lưới y tế biển, đảo của nước ta hiện còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp cứu, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho lao động và nhân dân trong khu vực biển đảo, đặc biệt là lao động và người dân sinh sống, làm việc xa bờ.
Việt Nam là quốc gia biển với trên 3.260 km bờ biển, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2. Cả nước có 28/64 tỉnh, thành phố có biển, trong đó có 12 huyện đảo với trên 3.000 hòn đảo và có khoảng 1.000 hòn đảo có người sinh sống. Số dân của 28 tỉnh, thành có biển chiếm gần nửa dân số cả nước và lực lượng trực tiếp lao động biển, đảo gần 6 triệu người…
Hội nghị lần này không chỉ quán triệt việc thực hiện triển khai Chương trình y tế biển đảo từ nay đến năm 2030, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, khám chữa bệnh, y tế dự phòng biển cho người dân và các lao động khu vực biển, đảo mà còn là vấn đề cần thiết, cấp bách, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến nǎm 2045.