An Giang là tỉnh không có biển, đảo nhưng hằng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy luôn chủ động phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thường xuyên định hướng các cơ quan báo chí của tỉnh, ban tuyên giáo, tuyên huấn các đảng bộ trực thuộc và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp chủ động tổ chức các hoạt động tuyên truyền; phát huy thế mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng và những ưu thế của công tác tuyên truyền miệng để thông tin chính xác, định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo được phong trào sâu rộng hướng về biển, đảo quê hương.
Báo An Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Tạp chí Thất Sơn, Cổng Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh... duy trì, nâng cao chất lượng các chuyên mục: "Vì an ninh Tổ quốc", "Quốc phòng toàn dân", "Vì chủ quyền an ninh biên giới", "Biển, đảo quê hương", "Biển và hải đảo Việt Nam"... nhằm cung cấp thông tin về quan điểm của Đảng, Nhà nước ta và chủ trương, giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tình hình biển đảo và hoạt động của các ngành, các cấp trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Đảng ủy Quân sự, TP. Long Xuyên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong tỉnh… đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền trực tuyến kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021) gắn với thông tin, tuyên truyền tình hình biển, đảo cho hơn 3.500 đoàn viên thanh niên, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân.
Năm 2022, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy An Giang tiếp tục tổ chức các hoạt động trao đổi, cung cấp thông tin; tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên; phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân…
Các nội dung tuyên truyền tập trung vào việc thông tin kết quả triển khai thực hiện “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”; tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Luật Biển Việt Nam; Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC); những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; tình hình biển, đảo và kết quả đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc…
Căn cứ vào tình hình thực tiễn tại địa phương, Ban Tuyên giáo các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân thực hiện đợt thông tin tình hình biển, đảo tại 11/11 huyện, thị, thành phố và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ ngày 17-22/7/2022, cho trên 2.500 cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.
Thời gian tới, dự báo tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục có nhiều biến động khó lường, có ảnh hưởng đến chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Vì vậy, việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo đã và đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Tỉnh An Giang sẽ tiếp tục phối hợp hiệu quả, đồng bộ với Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân trong công tác tuyên truyền biển, đảo; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền biển, đảo gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị.
Tỉnh sẽ tiếp tục tận dụng tối đa thế mạnh của các phương tiện truyền thông đại chúng, trên hệ thống truyền thanh cơ sở, phát huy ưu thế của mạng Internet và các trang mạng xã hội trong công tác tuyên truyền. Đi liền với đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức tuyên truyền theo phương châm: “tích cực, chủ động, sáng tạo, kịp thời”, nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, góp phần giữ vững mặt trận tư tưởng của Đảng.
Bên cạnh thông tin tình hình Biển Đông, tiến tới cung cấp thêm thông tin tình hình quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo khu vực phía Tây Nam. Gắn chặt công tác tuyên truyền biển, đảo với công tác thông tin đối ngoại và phân giới cắm mốc trên đất liền giữa Việt Nam-Campuchia.
Thu Hằng, Thúy Tình, Anh Dũng