Giải pháp Quản lý trực ca thông minh ezWork của Viện CDIT là một trong các sản phẩm được chọn trưng bày tại khu “Tự hào sáng chế Việt” trong khuôn khổ hội nghị khoa học và triển lãm quốc tế lần thứ 5 về Điều khiển và Tự động hóa diễn ra từ 4 - 7/9/2019 (Nguồn ảnh: cdit.ptit.edu.vn)

Được thành lập năm 1999 (với tên gọi ban đầu là Trung tâm CNTT) Viện CNTT-TT (CDIT) là đơn vị nghiên cứu phát triển trực thuộc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.  Với chức năng nhiệm vụ là một đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học và đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực Viễn thông và CNTT, trên chặng đường 20 năm phát triển vừa qua (1999 – 2009), Viện CDIT đã đạt được nhiều thành quả trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, CDIT đã luôn chủ động nắm bắt xu hướng làm chủ công nghệ. Viện đã tham gia khởi tạo thành công làn sóng dịch vụ ICT thời kỳ đầu ở Việt Nam (những năm 2000-2004), tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có tiếng vang với xã hội như dịch vụ nhắn tin SMS, MMS, thanh toán cước phí điện thoại qua hệ thống ATM … nhiều sản phẩm, dịch vụ có tính tiên phong, và thực sự đã mang lại sắc diện mới cho đời sống tinh thần của xã hội Việt Nam thời gian này.

Thời gian Học viện trực thuộc VNPT, Viện CDIT đã nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm phần mềm lớn, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý, khai thác, điều hành của VNPT và VietnamPost trên địa bàn cả nước như: hệ thống quản lý mạng ngoại vi, hệ thống tính cước, phần mềm phân tích số liệu kinh doanh cho VNPT, phần mềm chuyển tiền nhanh cho VietnamPost…

Giai đoạn hiện nay, đội ngũ nghiên cứu của CDIT đã hoàn toàn làm chủ các công nghệ mới nhất trên mạng lưới, có đủ khả năng xử lý các vấn đề kỹ thuật hóc búa của hạ tầng ICT như các vấn đề về An toàn thông tin và Chất lượng dịch vụ.

Được biết, tính đến hết quý I/2019, Viện CDIT đã thực hiện 269 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 34 đề tài cấp Nhà nước, 46 đề tài cấp Bộ, 141 đề tài cấp Tập đoàn và 78 đề tài cấp Học viện. CDIT cũng đã thực hiện hơn 400 hợp đồng dịch vụ khoa học công nghệ theo đơn đặt hàng của Tập đoàn VNPT, Học viện và các đơn vị khác.

Từ kết quả của hoạt động nghiên cứu, CDIT đã có 7 sản phẩm được giải thưởng VIFOTEC; được Bộ Khoa học và Công nghệ và Liên hiệp các Hội Khoa học tặng cờ đơn vị áp dụng xuất sắc các công trình đoạt giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ; đã có 8 sản phẩm được hợp chuẩn Quốc gia; 17 sản phẩm được bảo hộ quyền tác giả, 6 nhãn hiệu hàng hoá được bảo hộ, 6 sản phẩm đoạt cúp vàng CNTT…

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo của Viện CDIT trong những năm qua luôn gắn với nghiên cứu và thực tiễn sản xuất kinh doanh. Trong đó, về đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn, các khóa đào tạo ngắn hạn chuyên ngành và chuyên sâu của CDIT thường xuyên được triển khai cho cán bộ các Bưu điện tỉnh, thành cùng với việc chuyển giao công nghệ khi các sản phẩm của CDIT được triển khai trên toàn quốc.

Hiện nay các khóa đào tạo ngắn hạn vẫn đang được CDIT tiếp tục triển khai nhằm hướng nghiệp cho sinh viên, cung cấp thêm kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm thực tế cho sinh viên về Lập trình, An toàn bảo mật, Đa phương tiện… để các sinh viên vững vàng hơn sau khi ra trường, nâng cao khả năng được lựa chọn bởi các nhà tuyển dụng hàng đầu.

Viện CDIT cũng tích cực tham gia, đóng góp vào công tác đào tạo đại học, giảng dạy gắn kết với các Khoa trong Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Những năm qua, các cán bộ của CDIT đã đảm nhiệm giảng dạy hàng trăm lớp về CNTT, Điện tử Viễn thông, Đa phương tiện, An toàn thông tin. Liên tiếp từ năm 2011 đến 2015, CDIT đã được Học viện giao chủ trì 2 ngành đào tạo mới là Công nghệ Đa phương tiện và Truyền thông Đa phương tiện.

Đáng chú ý, trong hoạt động chuyển giao công nghệ, Viện CDIT đã phát triển được một số sản phẩm có tính ứng dụng cao, có tiềm năng phát triển lớn, khả năng đáp ứng những nhu cầu thiết thực củ đời sống chính trị xã hội hiện nay một cách hiệu quả. Các sản phẩm ứng dựng mã QR code đã được CDIT phát triển như ezTraining, ezCheck, ezWork, ezWater, ezLife, ezSite, ezFeedback đã được triển khai áp dụng trong thực hiễn. Nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ Đa phương tiện như 3D, VR cũng được phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu số hóa của nhiều đơn vị thuộc các lĩnh vực khác nhau.

Lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông kỳ vọng rằng, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của tập thể cán bộ trẻ trung, nhiệt huyết của CDIT, trong giai đoạn sắp tới Viện sẽ có những sự phát triển đột phá hơn nữa.

“Trong bối cảnh  cuộc CMCN lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão trên toàn thế giới, với vai trò là đơn vị nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực ICT, CDIT sẽ hướng đến trở thành một đơn vị tự chủ hoàn toàn, hoạt động theo mô hình của mộ doanh nghiệp khoa học công nghệ. Thực hiện gắn kết nghiên cứu khoa học với đào tạo sản xuất kinh doanh bằng việc chuyển hóa các thành tựu khoa học công nghệ thành các sản phẩm, dịch vụ và chương tình đào tọa phù hợp với mọi nhu cầu và trình độ ứng dụng công nghệ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước”, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nêu rõ mục tiêu phát triển của CDIT trong chặng đường mới.

Được biết, trong kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm nay, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính là việc lập phương án xây dựng Doanh nghiệp Khoa học công nghệ và Đào tạo trong Học viện.