Chuyến thăm cấp nhà nước của TBT Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ 19-22/11. Khi được hỏi về lời mời của Việt Nam đưa ra đối với Ấn Ðộ liên quan đến khai thác dầu khí ở Biển Ðông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trả lời ngắn gọn: "Quan điểm của Trung Quốc trong vấn đề Biển Ðông là không thay đổi". Và Bắc Kinh tuyên bố, "các quốc gia liên quan" có thể làm được nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong khu vực.
Điều dễ nhận thấy, trong quá khứ, Bắc Kinh luôn phản ứng mạnh mẽ đối với các dự án khai thác dầu tại khu vực có nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền. Tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã cực lực phản đối việc này. Nhưng năm nay, Trung Quốc phản ứng thận trọng hơn trước việc Việt Nam mời Ấn Ðộ tham gia các dự án dầu khí.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Cộng hòa Ấn Độ Manmohan Singh gặp gỡ báo chí sau khi kết thúc hội đàm. Ảnh: Trí Dũng/ TTXVN |
5 trụ cột của quan hệ song phương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Manmohan Singh đã trao đổi và nhất trí các giải pháp cơ bản và cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên 5 lĩnh vực trụ cột của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Hai nhà lãnh đạo thống nhất: i) Coi việc củng cố và tăng cường quan hệ chính trị gắn bó/ tin cậy là nền tảng rất quan trọng cho quan hệ song phương; ii) Tiến hành thường xuyên hơn nữa trao đổi đoàn cấp cao và các cấp trong thời gian tới nhằm tăng cường tình hữu nghị, tin cậy lẫn nhau; iii) Duy trì/phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có về ngoại giao, quốc phòng, an ninh; iv) Mở rộng/nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực; v) Đẩy mạnh giao lưu hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, các ngành, các địa phương, giữa nhân dân và thanh thiếu niên hai nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao mối quan hệ hợp tác thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Ấn Độ. Hiện nay Ấn Độ là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với mức kim ngạch thương mại tăng trung bình 12%/năm. Mục tiêu trao đổi thương mại giữa Việt Nam-Ấn Độ phấn đấu đạt 15 tỷ đô la năm 2015.
Việt Nam vừa đề xuất trao 5 khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi cho công ty OVL của Ấn Độ mà không cần thông qua đấu thầu. Năm khu vực này không nằm trong phạm vi tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông với Trung Quốc. OVL và PetroVietnam ký bản ghi nhớ vào ngày 21/11 cho phép cùng tổ chức hoạt động thăm dò dầu khí ở Việt Nam, Ấn Độ và cả ở một nước thứ ba.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Mumbai ngày 22/11. Phát biểu tại diễn đàn, các doanh nghiệp Ấn Độ nhấn mạnh Việt Nam là thị trường đầu tư tiềm năng và đầy triển vọng. Các doanh nghiệp Ấn Độ mong muốn được hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt về dầu khí, công nghệ thông tin cũng như đẩy mạnh hơn nữa về hợp tác nguồn nhân lực.
Cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ cũng thảo luận về việc mở thêm các đường bay thẳng, xây dựng khu công nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam và kéo dài thời hạn cấp thị thực để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước có hiệu quả hơn.
Qua chuyến đi này, hai bên Việt - Ấn đã ký kết hàng chục hiệp định và thỏa ước trong các lĩnh vực nhiên liệu, thương mại, giáo dục, hàng không, tài chính và quan thuế. Bên cạnh đó, hợp tác quốc phòng cũng là một lãnh vực đã có những cuộc tham vấn sâu rộng.
Các nguồn tin chính thức cho hay Ấn Độ sẽ tăng thêm 100 triệu đô la cho quỹ tín dụng (LoC) dành cho Việt Nam để Hà Nội mua 4 chiến hạm tuần duyên. Ấn Độ đã tăng quỹ như vậy cho Mauritius và Seychelles (hai đảo quốc cộng hòa ở Ấn Độ Dương). Quỹ tín dụng LoC này cho Việt Nam đã được thỏa thuận trong khoảng thời gian Ấn Độ quyết định can dự vào việc khai thác dầu khí ở vùng trũng Phú Khánh trên biển Đông.
Cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng Việt - Ấn năm 2012 diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 8/11 đã góp phần tích cực vào sự phát triển hợp tác quốc phòng song phương. Hai nền quân sự Việt - Ấn đã duy trì những cuộc tiếp xúc thường xuyên. Những món hàng quân sự mà Việt Nam mong nhận được từ Ấn Độ còn bao gồm hỏa tiễn hành trình siêu âm Brahmos, loại vũ khí do Ấn Độ và Nga sản xuất chung. Moscow đã bật đèn xanh và Ấn Độ coi trọng ý nghĩa chính trị của việc cung cấp loại vũ khí hàng đầu này cho Việt Nam.
Cân bằng môi trường địa - chính trị
Chuyến thăm Ấn Độ của nhà lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng, không đơn thuần là chuyến thăm đơn lẻ của một nhà lãnh đạo nước ngoài trong năm nay.
Kế tiếp Tổng Bí thư của Việt Nam, New Delhi sẽ tiếp Hoàng đế Nhật Bản Akihito và hai nhà lãnh đạo quan trọng khác trong khu vực, đó là Tổng thống Hàn quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Thủ tướng Nhật sẽ là quốc khách chính yếu của "Ngày Cộng Hòa Ấn Độ" nhân kỷ niệm sự kiện ban hành Hiến pháp đầu tiên của Ấn Độ.
New Delhi đẩy mạnh những hoạt động ngoại giao này trong vòng hai tháng rưỡi sắp tới với chủ đích rõ ràng là cân bằng cuộc cạnh tranh địa - chính trị ở Đông Á và Đông Nam Á.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là chuyến công du Ấn Độ lần thứ ba của các nhà lãnh đạo Việt Nam kể từ 2011, đánh dấu đà tăng tiến trong quan hệ đối tác chiến lược và quốc phòng giữa hai nước. Điều này rõ ràng sẽ gia cố tiến trình kết nối gia tăng giữa hai nước cùng có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với Trung Quốc.
Chủ tịch nước của Việt Nam đã thăm Ấn Độ năm 2011. Thủ tướng Việt Nam đến New Delhi hồi năm ngoái dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN - Ấn Độ, đánh dấu 20 năm quan hệ đối tác đối thoại của Ấn Độ - ASEAN và 10 năm quan hệ đối tác thượng đỉnh giữa hai phía. Lần này, chuyến công du 4 ngày của TBT Nguyễn Phú Trọng chú trọng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển nhanh chóng.
Trong cuộc họp báo chung hôm 20/11 với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Manmohan Singh đã tuyên bố xem Việt Nam là một đối tác chiến lược "đáng tin cậy" và là một cột trụ quan trọng trong "chính sách Hướng Đông" của Ấn Độ.
Tuy nhiên, một vấn đề còn bỏ ngỏ là liệu "đối tác chiến lược" Việt - Ấn cùng hàng loạt các cặp "đối tác chiến lược" khác trong khu vực có thể hình thành nên nhóm GAPAC (viết tắt của Grouping of Asian Powers Around China - Nhóm các thế lực xung quanh Trung Quốc) hay không.
Tuyên bố chung Việt - Ấn công bố hôm 20/11 nhấn mạnh rằng "tự do hàng hải ở Biển Đông không nên bị cản trở". Đây là một phát biểu mạnh mẽ của Ấn Độ, quốc gia không tiếp giáp với Biển Đông. Hai vị lãnh đạo Việt - Ấn kêu gọi các bên liên quan "kiềm chế, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình theo các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)".
Tuyên bố chung cho hay Việt Nam và Ấn Độ "hoan nghênh các cam kết chung của các bên liên quan về việc tuân thủ và thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm thông qua Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)".
Tuyên bố chung cũng nêu rõ: "Hai nhà lãnh đạo kêu gọi hợp tác trong việc đảm bảo an ninh các tuyến đường biển, an ninh hàng hải, chống cướp biển và tiến hành các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn". Việt Nam đánh giá cao "vai trò xây dựng" của Ấn Độ trong các tranh chấp ở Biển Ðông.
Trả lời phỏng vấn của thông tấn xã PTI của Ấn Ðộ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "hòa bình, ổn định, an ninh hàng hải và hợp tác cùng có lợi cho các bên ở Biển Ðông là lợi ích thiết yếu của các nước trong và ngoài khu vực"./.
Hải Đăng