Bố trí sử dụng không gian biển hiệu quả

Theo TS Dư Văn Toán, xu thế phát triển các ngành kinh tế biển từ 1990 đến nay và từ nay đến năm 2050 sẽ rất khác nhau. Do đó, bố trí sử dụng không gian biển hiệu quả, nhất là dành không gian cho những ngành được coi là mũi nhọn trong phát triển kinh tế biển là việc làm cần phải tính toán sao cho hiệu quả nhất.

Cụ thể, nói đến kinh tế biển là nói tới nuôi biển, đóng tầu, cảng biển/ logistic, dầu khí, đánh cá, điện gió… Vậy không gian cho mỗi lĩnh vực này ra sao, định hướng phát triển thế nào là việc cần phải tính toán. Nếu như trên đất liền, chúng ta có các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh/thành; cụ thể hơn là các quy hoạch về chuyên ngành (như quy hoạch giao thông, quy hoạch đất đai…) thì trên biển cũng cần những bản quy hoạch tương tự như vậy.

Ví dụ, không gian biển cho các nhà máy điện gió, điện thủy triều thậm chí cả điện mặt trời ngoài biển là bao nhiêu, khu vực nào được quy hoạch? Không gian biển cho các khu vực nuôi trồng hải sản (tôm hùm, cá biển…), các ngư trường đánh bắt cá, cho các khu vực chuẩn bị thăm dò/ khai thác dầu khí; các khu vực hậu cần nghề cá ngoài khơi; thậm chí cả không gian cho các tuyến cáp quang ngầm Internet/ đường ống (dẫn xăng dầu/ khí đốt…) cũng cần phải được quy hoạch.

chua cai bau.jpg
Khu vực ven bờ đang có sự cạnh tranh của nhiều ngành kinh tế biển như: nuôi biển, du lịch, cảng biển...

“Toàn bộ đại dương thế giới có diện tích là 360 triệu km2, trong đó khoảng 140 triệu km2 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia. Các quốc gia ven biển đều thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia trong vùng biển của mình, đặc biệt là các vùng biển nông, gần bờ nơi có nhiều hoạt động kinh tế biển sôi động. Đặc biệt, ở các vùng biển nông (có độ sâu dưới 50m) và khoảng cách từ bờ ra đến khoảng 50 km đều được các nước có biển tính toán sử dụng rất khoa học. Do vậy, Việt Nam cũng phải học tập các nước phát triển và xây dựng các bản quy hoạch không gian biển của riêng mình”, TS Dư Văn Toán nhấn mạnh.

Hướng đi nào cho Việt Nam?

Cũng giống trên đất liền, không gian (diện tích đất) dành cho công nghiệp tăng thì diện tích dành cho nông nghiệp hay lâm nghiệp phải giảm đi. Ngay cả các đô thị, muốn “lớn” dần theo chiều cao (xu hướng đô thị nén) hay phát triển theo bề ngang (mở rộng lõi đô thị) thì tất yếu phải mở rộng ra vùng ven. Khi vùng ven không còn thì xu thế sáp nhập các đơn vị hành chính lân cận để mở rộng không gian là tất yếu, dù tổng không gian là không đổi.

Tương tự vậy, trên biển cũng là một không gian rộng nhưng không phải vô tận và các quốc gia có biển đang tận dụng mọi lợi thế của mình để xác lập quyền sở hữu cũng như tính toán tối ưu hóa cho không gian biển cho từng lĩnh vực kinh tế của mình. Ví dụ, diện tích biển cho khai thác dầu, khí trên đại dương thế giới gia tăng đến năm 2030, nhưng sau đó sẽ bắt đầu giảm dần sau 2030 đến 2050. Không gian ấy sẽ nhường lại  cho các lĩnh vực năng lượng xanh (điện mặt trời/ điện gió/ điện thủy triều).

TS Dư Văn Toán ví dụ, khu vực Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) có nhu cầu phát triển điện gió ngoài khơi cao thứ 3 trong các khu vực địa lý, chỉ sau Trung Quốc và Tây Bắc Phi. Vì vậy, quy hoạch không gian biển cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất cần thiết, phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế xanh, chuyển dịch năng lượng xanh, hướng tới nền kinh tế Net Zero cacbon vào năm 2050. Vậy, định hướng không gian phát triển năng lượng xanh của Việt Nam (trên biển) ra sao cũng cần có những bản đồ quy hoạch chi tiết.

Lấy xu hướng gia tăng điện gió ngoài khơi là một ví dụ, TS Dư Văn Toán phân tích: “Năm 2023, Tập đoàn DNV (Na Uy) - chuyên về chứng nhận, kiểm định lĩnh vực dầu khí, năng lượng và hàng hải - đã phát hành báo cáo triển vọng kinh tế biển toàn cầu “Ocean Future 2050”. Báo cáo này chỉ rõ 6 ngành kinh tế biển cần nhiều không gian cho phát triển bao gồm: dầu khí, điện gió, đóng tầu, đánh bắt cá, nuôi biển, khử mặn. Trong đó, riêng ngành điện gió ngoài khơi được dự báo sẽ sử dụng khoảng 300.0000 km2 bề mặt biển, đại dương vào năm 2050.

Hiện nay, 80% vốn đầu tư cho ngành kinh tế biển thế giới là đến từ ngành dầu khí, trong đó chi tiêu cho gió ngoài khơi là không đáng kể. Như vậy có thể thấy kinh tế biển sẽ có những chuyển dịch cơ cấu rất nhanh, không gian cho các lĩnh vực kinh tế biển cũng có sự thay đổi tùy định hướng/ chiến lược phát triển kinh tế biển của mỗi nước. Tuy nhiên, dù định hướng ra sao thì cũng cần có tính toán và chiến lược cụ thể, đề ra những quy hoạch với số liệu định lượng rõ ràng thay vì định tính và hô hào suông mà không định hình được “con tàu” kinh tế biển đi về đâu thì thật sự đáng lo ngại.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV