Sự kiện được tổ chức vào dịp kỷ niệm Ngày Nhân quyền quốc tế đã thu hút sự quan tâm, tham dự của đông đảo Đại sứ và đại diện các Phái đoàn thường trực và quan sát viên tại Liên Hợp Quốc (LHQ).
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cảm ơn các nước đã tin tưởng bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Khẳng định trong vai trò thành viên suốt hai năm qua, Việt Nam đẩy mạnh các ưu tiên về bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, thúc đẩy bình đẳng giới, quyền lao động, quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền giáo dục.
Việt Nam cũng đồng thời chủ trì các Nghị quyết về “Kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên”; về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, ghi đậm dấu ấn Việt Nam tại cơ quan chính của LHQ về bảo vệ quyền con người.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh thành tựu kinh tế - xã hội vượt bậc của Việt Nam sau gần 40 năm đổi mới là kết quả của chủ trương đặt con người vào trung tâm của mọi chính sách phát triển, cách tiếp cận cân bằng đối với việc thúc đẩy các quyền con người một cách toàn diện...
Trên tinh thần đó, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt đề nghị các nước tiếp tục ủng hộ ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2026-2028.
Thứ trưởng khẳng định mạnh mẽ nếu trúng cử Việt Nam sẽ tiếp tục tham gia tích cực, xây dựng và có trách nhiệm, sẽ phấn đấu hết mình thúc đẩy thực hiện mục tiêu chung của Hội đồng Nhân quyền là bảo đảm ngày càng tốt hơn việc thụ hưởng quyền con người của mọi người dân trên toàn thế giới.
Hội đồng Nhân quyền LHQ trực thuộc Đại hội đồng LHQ được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát.
HĐNQ LHQ gồm 47 thành viên, có nhiệm kỳ 3 năm, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Việt Nam luôn tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐNQ LHQ từ khi cơ quan này được thành lập. Trong đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên HĐNQ LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và hiện đang đảm nhiệm thành viên nhiệm kỳ 2023-2025.