Việt Nam cùng 13 quốc gia khác đảm nhiệm vị trí thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền sau lần đầu vào năm 2013, nhiệm kỳ 2014-2016. Việc Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền được cộng đồng quốc tế rất chú ý. 

Nhân dịp 1 năm Việt Nam đảm nhận vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã có những đánh giá, nhận định trong một năm qua và phương hướng thời gian tới.

Thứ trưởng cho biết, Việt Nam đã tích cực tham gia, để lại những dấu ấn ngay từ những hoạt động đầu tiên, với nhiều sáng kiến phù hợp với ưu tiên của Việt Nam và quan tâm chung của thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. 

hoi dong nhan quyen lien hop quoc thong qua nghi quyet do viet nam de xuat va soan thao 20230404084139 734 812.jpeg
Một phiên họp Hội đồng Nhân quyền. Ảnh: U.N

Việt Nam cũng tham gia sâu hơn vào công việc chung, thúc đẩy đối thoại và hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền trên tinh thần Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền. Cho tất cả mọi người.

Việt Nam đã có hơn 80 phát biểu quốc gia trong những cuộc họp của Hội đồng Nhân quyền về bảo đảm quyền con người trên những khía cạnh được cộng đồng quốc tế quan tâm. Đó là: Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo đảm quyền nhà ở, quyền lương thực, quyền văn hoá, quyền phát triển, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương...

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Việt Nam đã thực hiện rất trách nhiệm nghĩa vụ và quyền lợi chính của quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền trong quá trình thương lượng, bỏ phiếu thông qua các dự thảo nghị quyết". 

Việt Nam đã có cách tiếp cận xây dựng trong những vấn đề nhân quyền còn nhiều khác biệt, bị chính trị hóa, có nhiều cọ xát tại Hội đồng Nhân quyền như tình hình các nước cụ thể (Ukraine, Nga, Palestine, Sudan…), quan hệ giữa phát triển và nhân quyền, sức khỏe sinh sản và giáo dục giới tính, quyền của người người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT), khoan dung tôn giáo...

img 1190.jpg
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt

Một mặt, Việt Nam đóng góp vào cuộc đấu tranh chung của các nước đang phát triển bảo vệ nguyên tắc không chính trị hóa, không sử dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền. Mặt khác, Việt Nam đã lắng nghe, tôn trọng nhu cầu hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, thúc đẩy hợp tác, đối thoại để Hội đồng Nhân quyền có thể hành động đáp ứng nhu cầu chính đáng của các nước trong lĩnh vực này. 

Theo Thứ trưởng, đóng góp của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền đã góp phần giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về nỗ lực, cam kết của ta trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, qua đó thúc đẩy quan hệ hợp tác của ta với các nước, các tổ chức quốc tế.

Các nội dung về hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền đã được các nước, trong đó có đối tác lớn quan tâm thúc đẩy trong trao đổi với Việt Nam, kể cả trong những hoạt động đối ngoại của lãnh đạo cấp cao Việt Nam.

Các nước bạn bè, đối tác, đồng quan điểm, ASEAN… cũng đã đẩy mạnh cơ chế trao đổi sẵn có hoặc tổ chức các hoạt động mới để trao đổi chuyên sâu với Việt Nam về hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền.

Thứ trưởng cho rằng, vị thế thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng góp phần giúp ta vận động được các nước ủng hộ ta đấu tranh với những hoạt động xuyên tạc tình hình ở Việt Nam tại các cơ chế, diễn đàn Liên Hợp Quốc. 

Thứ trưởng Ngoại giao chia sẻ, dù phần dài hơn của chặng đường còn ở phía trước, với nhiều khó khăn thách thức nhưng vào thời điểm này, có thể nhận định năm đầu tiên đảm nhiệm thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025 là thành công của Việt Nam với nhiều dấu ấn.

1s4a1315.jpg
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 55 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 26/2. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Năm 2024 là năm bản lề của nhiệm kỳ thành viên Hội đồng Nhân quyền 2023-2025, với nhiều hoạt động trọng tâm...Thứ trưởng cho biết Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến, ưu tiên, nhất là sáng kiến về biến đổi khí hậu và quyền con người, kết hợp với công tác vận động các nước tiếp tục ủng hộ Việt Nam lần đầu tiên tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.

"Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng tại Hội đồng Nhân quyền, ghi dấu ấn trong năm 2024 và xa hơn, góp phần xây dựng nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam vững mạnh, toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp và nâng tầm đối ngoại đa phương..", Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định. 

Ngày 26/2, tham dự phiên họp cấp cao Khóa 55 Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Geneva, Thụy Sĩ), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tái khẳng định các ưu tiên của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền, trong đó có bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chuyển đổi số và quyền con người. 

Để tiếp nối "những đóng góp tích cực, cam kết mạnh mẽ và sự sẵn sàng đóng góp của Việt Nam", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tuyên bố và kêu gọi các nước ủng hộ Việt Nam tái ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2026-2028.