“Việt Nam có an toàn không?”, David, một người Mompox, hỏi tôi như vậy, khi màn hình tivi công cộng đang chiếu một đoạn phim tư liệu về chiến tranh Việt Nam. Một bộ phim từ rất lâu với hình ảnh thường thấy về cuộc chiến, có súng nổ, và những người nằm xuống.

Tôi nhận câu hỏi ấy từ, Mompox, một thị trấn nhỏ nằm bên bờ sông Madgalena - con sông dài nhất Colombia, và là cửa ngõ ra biển Caribbe, điểm chuyển giao văn hóa giữa người dân vùng biển và cư dân dãy Andes. Với vị thế biệt lập đặc trưng, Mompox là thị trấn đầu tiên của Colombia giành độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Tây Ban Nha ngày 6-8-1810. Với Colombia, Mompox tượng trưng cho lòng yêu tự do mãnh liệt và  tinh thần chiến đấu không khoan nhượng chống lại ách xâm lược. David đã kể cho tôi nghe rất nhiều về quê cậu Mompox, về vị tướng quân Simon Bolivar - người được dựng tượng hầu khắp các đất nước Nam Mỹ, về hành trình của ông trong tiểu thuyết Tướng quân giữa mê hồn trận - một tác phẩm của Gabriel Garcia Marquez.

Tôi bảo David, tôi đã gặp những hình ảnh ấy trong những câu chuyện về cuộc kháng chiến trường kỳ vì tự do của dân tộc tôi - một đất nước “có nhiều cuộc chiến tranh”, một hình ảnh mà hầu hết người dân Mỹ latin đều nghĩ về Việt Nam. Có một điều gì rất gần giữa Việt Nam và đất nước Nam Mỹ này. Sự không khuất phục và niềm tin vào những gì đã chọn. Họ cũng như người Việt Nam, đã phải chiến đấu, hy sinh, và đánh đổi xương máu để có một nền độc lập. Vào ngày 2-9, khi chúng tôi nói đó là ngày Quốc khánh Việt Nam, nhiều người bạn Colombia đã chúc mừng chúng tôi. Trường chúng tôi học đã dành riêng một status trên Facebook để chúc mừng. Cô giáo chúng tôi tỏ ra hân hoan và viết trên bảng dòng chữ chúc mừng, bằng cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Việt, đề nghị không xóa cho đến hết buổi học. Có một ngày độc lập là điều rất đáng để khoe và tự hào, và chỉ những dân tộc cũng khao khát độc lập mới hiểu niềm vinh dự ấy…

{keywords}

Sinh viên Việt Nam trong một buổi giao lưu văn hoá tại ĐH La Sabana, Colombia. Ảnh: Phương Mai/ Thời nay 

Những quá khứ từ rất lâu, lại là hình ảnh định danh một quốc gia ở phía bên kia bán cầu. Một anh chủ quán người Panama, khi nhìn tôi ngơ ngác trong quán, đã hỏi tôi đến từ đâu. Khi biết tôi là người Việt Nam, anh tỏ ra kinh ngạc tột cùng: “Ôi, Việt Nam, Hồ Chí Minh”. Cả quán ăn bỗng dưng xôn xao. Những gương mặt gốc Phi, gốc Á cùng xúm vào tôi. Họ bàn tán, họ trầm trồ. Tôi đến từ một quốc gia rất xa, nhưng họ đã nghe đến rất nhiều. “Hồ Chí Minh, Người là một anh hùng, Người đã đánh thắng cả Pháp, cả Mỹ, cả Nhật. Hồ Chí Minh, các cậu phải biết, Người rất vĩ đại” - anh thu ngân hào hứng. Anh ấy bắt đầu lôi tất cả những kiến thức anh có về Việt Nam để kể. Một số người chưa từng nghe đến Việt Nam cũng tỏ ra sự tò mò. Và họ dành cho tôi một thiện cảm không che giấu. Họ mời tôi ăn trưa, họ tặng tôi những thứ đồ bé bé họ có trên tay: một cốc nước cam, một que kem, một cái móc chìa khóa… Một cô bé đến từ đất nước có một vị anh hùng, được chào đón, mà nếu như không đặt chân đến đất nước của con kênh đào làm nên lịch sử này, tôi sẽ không thể tưởng tượng được.

Tôi bắt đầu hiểu vì sao người cảnh sát ở sân bay Panama vừa nhìn thấy tên nước tôi trên tấm hộ chiếu đã đứng nghiêm và giơ tay chào. Sau này, khi bị mắc kẹt lại sân bay Panama mấy ngày do trục trặc về giấy tờ, tôi làm quen với tất cả nhân viên sân bay ấy, và biết, ông ấy là cháu của một người lính lê dương, một trong những người đã tham gia xây dựng con kênh đào thời kỳ thứ 3. Ông ấy biết về những quá khứ.

Tôi đã rất vất vả để giải thích cho David hiểu những hình ảnh cậu thấy trên phim - không ít - là quá khứ của hơn bốn chục năm trước. Việt Nam bây giờ an toàn, cũng như Colombia vậy. Tôi cho cậu xem đoạn clip 30 giây quảng bá ngành du lịch mới được hoàn thành cách đây hai tháng, một đoạn clip đẹp với phần âm nhạc gần như hoàn hảo. Cậu ngạc nhiên: “Hóa ra Việt Nam cũng có biển như Colombia à, tôi muốn đến đó”.  “Bạn biết đấy, ở đây cứ nhắc đến Việt Nam là nhắc đến chiến tranh, đến Nhật Bản là bom nguyên tử, còn các bạn nghe đến Colombia là nghĩ đến ma túy”, Juan Carlos Valencia - một giảng viên ĐH ở Bogota (Thủ đô Colombia) tâm sự. Juan bảo, anh sẽ đến Việt Nam, anh có nhiều bạn bè ở Việt Nam và nhiều bạn bè đã đến Việt Nam: “Họ ca ngợi nước bạn như một thiên đường”.

Tôi đã nhận được những lời khen tương tự khi đang ở trên đỉnh Andes 4.500 m, cùng ngồi một bàn với toàn những khách du lịch Đức và Áo. Simon, một giảng viên ĐH ở Áo nói anh đã có một tháng ở Hà Nội tham dự một hội thảo quốc tế về giáo dục công nghệ cao, anh hoàn toàn bị chinh phục bởi Thủ đô ồn ào, trừ vấn đề giao thông. Hóa ra ở Colombia, Việt Nam cũng không xa lắm. Tôi thường gặp các khách du lịch Âu Mỹ trên các điểm du lịch nổi tiếng ở Colombia hay Panama và gần như bao giờ cũng sẽ gặp ít nhất một nửa trong số đó đã từng đến Việt Nam. Họ ở Việt Nam nhiều ngày, thậm chí vài năm, họ thích đồ ăn Việt Nam, thích ngồi uống bia hơi vỉa hè, thích nhâm nhi trà đá và tán gẫu, thích leo núi, tắm biển ở Việt Nam.

“Sẽ phải làm nhiều việc, ý tôi là đất nước chúng ta ấy”, Juan bảo. Chuyên ngành của Juan là về truyền thông liên văn hóa, Juan tiếp xúc thường xuyên với sinh viên các nước châu Á, là một tín đồ của món ăn Việt. Mỗi tuần, Juan đi thăm cô bạn gái ở Medellin - một thành phố phát triển cách Thủ đô Bogota của Colombia 300 km và cả hai sẽ đến một quán ăn Việt Nam ở đó - quán ăn mở ra đã vài năm nay. Ngày thường, anh thích ăn bún chả ở một quán châu Á tại Bogota. Quán ăn này nổi tiếng đến mức nếu đến mà không đặt trước sẽ phải xếp hàng rất lâu.  Ở đó có bánh xèo, dù chỉ là bánh xèo ăn với rau diếp, có phở, dù là phở khô.          

Vào một ngày khi được yêu cầu giới thiệu về một lễ hội trên đất nước, tôi đã giới thiệu về lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Tôi nói những người đi biển ở Lý Sơn, họ mang theo những tấm ván để sẵn sàng bỏ mình trên biển. Cô giáo tôi - một người Colombia gốc từ vùng Magdalena, nơi nổi tiếng với biển Caribbe, nơi tập trung của những gã cướp biển và sự khắc nghiệt đầy bí hiểm của biển khơi, đã gật đầu. Không ai thắc mắc vì sao ngư dân vẫn ra biển dù là có thể sẽ không trở về.

Bởi vì đấy là máu thịt của Tổ quốc tôi.

Theo Phương Mai/ Thời nay Xuân Bính Thân