- Cải cách thể chế, tạo môi trường cạnh tranh, đẩy mạnh khoa học công nghệ... nằm trong số nhiều khuyến nghị chính sách đưa ra tại hội nghị Phát triển Việt Nam lần đầu tiên.
Hội nghị Phát triển Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức tại Trường chính sách công Kennedy, ĐH Harvard, kết nối với 2 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM ngày 5/1 mở đầu với phát biểu của tân Đại sứ Phạm Quang Vinh.
Ông Vinh nhấn mạnh với "các chuyên gia kinh tế và các lĩnh vực khác, những người gắn bó, tâm huyết với VN và sự phát triển thịnh vượng của VN" về chủ trương và chính sách của Chính phủ VN khuyến khích, ủng hộ sự đóng góp của trí thức VN trong và ngoài nước, cũng như học giả các nước, vào các lĩnh vực phát triển của đất nước.
Từ trái qua phải: GS Jay Rosengard (ĐH Harvard), Đại sứ VN tại Mỹ Phạm Quang Vinh và GS Trần Ngọc Anh (ĐH Indiana) |
Đại sứ chia sẻ: Năm 2014 kinh tế VN đã có những điểm sáng và khả quan, đạt hầu hết các chỉ tiêu, GDP tăng 5,98%, kiểm soát được lạm phát... cho thấy các chính sách kinh tế vĩ mô đã đúng hướng và sự quyết liệt của Chính phủ trong tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy vậy, sự ổn định là chưa vững chắc, kinh tế VN còn nhiều thách thức phía trước như nợ công cao, năng suất lao động và tính cạnh tranh của hàng hóa thấp, công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao còn hạn chế...
"VN đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. VN cũng đang tổng kết 3 thập kỷ đổi mới và chuẩn bị ĐH Đảng lần thứ 12, bàn phương hướng đạt mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp năm 2020", Đại sứ Phạm Quang Vinh chỉ ra giai đoạn 5 năm tới (2016-2020) có ý nghĩa quyết định đối với VN.
Do đó, ông đánh giá cao việc tổ chức một hội nghị quy tụ những chuyên gia hàng đầu để giúp nhìn nhận nhiều mặt và đưa ra những khuyến nghị tư vấn cho Chính phủ VN trong hoạch định chính sách.
Quyết tâm chính trị có đủ lớn?
Nhiều diễn giả của hội nghị đã có cả chục năm nghiên cứu về VN. Từ TP.HCM, GS David Dapice của Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, đặt VN trong tương quan với các nước có điều kiện tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia.
"Đó đều là những nước đang phát triển, có tốc độ tăng trưởng nhanh, dân số lớn. So với họ, VN có vị trí địa lý tốt hơn cả, giao thương thuận tiện trong nước và là điểm kết nối các tuyến giao thương lớn trên thế giới. VN cũng có sự ổn định về xã hội và chính trị hơn. Nhưng, dù có tốc độ tăng trưởng không thua kém các nước đó, GDP trên thực tế của VN từ năm 2009 đến nay vẫn có một khoảng cách với Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia, và khoảng cách này đang ngày càng gia tăng", ông Dapice nhận định.
Theo ông, một trong những nguyên nhân là trình độ quản trị nền kinh tế VN chưa có những tiến bộ tương xứng với áp lực của việc cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
"Cần tạo ra cạnh tranh ngay trong nền kinh tế, dùng áp lực hội nhập để thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh, để khiến cả khu vực kinh tế nhà nước cũng phải vận động", GS người Mỹ khuyến nghị.
Cũng nói về những quốc gia đang chuyển đổi, GS Jay Rosengard của ĐH Harvard dẫn những nghiên cứu mang tính so sánh với Indonesia để chỉ ra mấu chốt để đột phá phát triển kinh tế là chủ động hoạch định chính sách, cải cách thể chế và phát triển nguồn nhân lực. Trong đó, một trong những ưu tiên là đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, thói bè phái.
GS Jay Rosengard đặt câu hỏi: VN có sẵn sàng đặt ra bức “tường lửa” giữa điều hành kinh tế và lãnh đạo chính trị để có thể phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả và công bằng hơn? Nghĩa là quyết tâm chính trị đối với việc cải cách thể chế có đủ mạnh để loại bỏ tất cả những nhóm lợi ích không?
TS. Huỳnh Thế Du, Trường Fulbright TP.HCM, cố gắng trả lời câu hỏi này bằng cách nhìn nhận hiệu quả của chính sách Đổi mới: Nền kinh tế đã mở cửa hơn bao giờ hết, đặc biệt sau khi VN gia nhập WTO, nhưng cải cách thể chế vẫn chưa theo kịp. VN đang đứng trước nguy cơ “bẫy thu nhập trung bình” nếu không có những cải cách toàn diện.
“Trở ngại chính là bộ phận đang hưởng lợi từ việc không cải cách vẫn còn rất lớn và mạnh”, ông Huỳnh Thế Du cho rằng thay đổi chỉ có thể đến khi mọi thành phần trong nền kinh tế - nhà nước, tư nhân - đều có vai trò bình đẳng và tiếng nói trong công cuộc cải cách.
Áp lực trở thành động lực
Từ điểm cầu Hà Nội, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, nhận định "áp lực đó đã biến thành động lực để năm 2015 VN đẩy mạnh hơn tái cơ cấu, thay đổi mô hình tăng trưởng để bước vào một giai đoạn tăng trưởng mới".
Ông Thiên chỉ ra: Tuy nền kinh tế còn khó khăn nhưng ngay trong năm 2015 đã có những cách tiếp cận mới như thay đổi theo hướng thị trường trong phân bổ nguồn lực, cải cách khu vực kinh tế nhà nước, ổn định nền kinh tế vĩ mô để áp dụng mạnh hơn các nguyên tắc thị trường...
"Tuy những thay đổi này còn chậm, mới ở mức sửa đổi luật, giảm thủ tục hành chính, kết quả cũng chưa rõ rệt, nhưng điều đó báo hiệu những năm tới sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn về cơ chế cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân, được cho là sẽ trở thành động lực chính để kinh tế phát triển trong thời gian tới", ông nhận định.
Về quản trị, ông Thiên nhấn mạnh việc xác định rõ hơn trách nhiệm cá nhân của những người đứng đầu thay vì cơ chế chịu trách nhiệm tập thể như trước đây.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Fulbright TP.HCM, chia sẻ thông tin về các nỗ lực cải cách hệ thống ngân hàng, trong khi TS. Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN) chia sẻ bức tranh hội nhập kinh tế và thu hút vốn đầu tư nước ngoài của VN.
GS. Ngô Bảo Châu thì tập trung vào vai trò của khoa học. Theo ông, mức độ và khả năng ứng dụng của các nghiên cứu khoa học ở VN còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế khó gia tăng giá trị.
Các nhận định và khuyến nghị của chuyên gia VN và quốc tế nhận được những trao đổi và phản biện sôi nổi của những người tham gia hội nghị. VietNamNet sẽ nhanh chóng chuyển đến độc giả nội dung đầy đủ của hội nghị.
Chung Hoàng