Chiều 4/4, thông tin về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc thường trực Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho hay, hiện nay ước tính số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam khoảng 800 nghìn tấn. Tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom mìn khoảng 6,1 triệu ha chiếm 18,31 % diện tích cả nước.
Số bom mìn, vật liệu chưa nổ còn nằm rải rác tại 63 tỉnh, thành. Trong đó, tập trung nhiều tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, để làm sạch các vùng đất có bom mìn, trong năm nay Trung tâm sẽ phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH xây dựng cơ chế vận động tài trợ trong nước và quốc tế, đặc biệt các quốc gia từng tham chiến tại Việt Nam.
Bộ LĐT-BXH cho biết, cả nước hiện có trên 7,06 triệu người khuyết tật. Trong đó, có hàng vạn người là nạn nhân bom mìn và bị phơi nhiễm chất độc hoá học da cam/dioxine.
Sau chiến tranh, Việt Nam rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả, bao gồm rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng và tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn cho nhân dân.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội cho biết, tới đây, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Y tế tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó quy định về phục hồi chức năng và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Đồng thời, trong sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế có mục tiêu tăng phạm vi và độ bao phủ chi trả bảo hiểm y tế cho người khuyết tật...
Năm 2022, toàn quốc đã khảo sát được hơn 35 nghìn ha, rà phá bom mìn được trên 27 nghìn ha.