Lời tòa soạn: Hơn một thập niên sau 1975, Bưu điện được xem là ngành nghèo và lạc hậu nhất. Thế nhưng, với tầm nhìn và tư duy đổi mới mạnh mẽ cùng hành động quyết liệt, Bưu điện đã "lột xác" trở thành ngành hiện đại ngang tầm thế giới, đóng vai trò là ngành kinh tế kỹ thuật quan trọng của đất nước. Hơn 30 năm qua, những bài học và kinh nghiệm đổi mới, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh của ngành Bưu điện vẫn là câu chuyện mang đầy tính thời sự cho các ngành, các lĩnh vực của Việt Nam cũng như là hành trang của ngành thông tin - truyền thông tiếp tục bước vào kỷ nguyên 4.0 và chuyển đổi số. VietNamNet đã tìm lại các nhân chứng, lắng nghe các câu chuyện và giới thiệu với bạn đọc những bài học lịch sử của ngành. 

 

 

Bài học lựa chọn đúng công nghệ

Những năm 1990-1991 là giai đoạn chuẩn bị cho ngành bưu chính viễn thông bước vào thời kỳ tăng tốc. Đầu tư nước ngoài phát triển mạnh. Nhu cầu sử dụng dịch vụ thông tin di động bắt đầu xuất hiện, nhất là thị trường TP.HCM. Lúc đó, Tổng cục Bưu điện bắt đầu nghiên cứu đưa thông tin di động vào Việt Nam và tiếp xúc với một số đối tác để chuẩn bị triển khai như SingTel, Acatel, Siemens, Ericsson…

Từ 1991 đến 1993 đã xuất hiện công nghệ di động tế bào công nghệ số GSM, được triển khai nhiều tại châu Âu. Song công nghệ này còn đang trong quá trình hoàn thiện nên chưa được thương mại hoá rộng rãi. Tổng cục Bưu điện đứng trước tình huống: Nhu cầu thông tin di động đã xuất hiện nhưng câu hỏi đặt ra là lựa chọn công nghệ nào phù hợp với Việt Nam?

Ngay tại thời điểm đó, 95-97% mạng viễn thông thế giới vẫn là analog và các hãng vẫn tiếp tục sản xuất các thiết bị này. Một số nước bắt đầu chuyển sang số hóa và họ sẵn sàng bán lại kỹ thuật cho mình. Lúc bấy giờ, do Việt Nam rất nghèo và viễn thông chưa phát triển nên lãnh đạo Tổng cục đã phải có nhiều cuộc thảo luận và phân tích để chọn con đường nào tốt nhất. Cuối cùng quyết định đi thẳng vào con đường số hóa.

Theo ông Mai Liêm Trực, lúc ấy ngành Bưu chính Viễn thông quyết định chọn công nghệ số để thẳng tiến tới công nghệ hiện đại và đồng bộ mạng lưới từ nội hạt, truyền dẫn đều sử dụng công nghệ số. Vì vậy, công nghệ thông tin di động được chọn lựa là công nghệ số GSM.

Quyết tâm là vậy, song thực tiễn rất khó khăn do công nghệ này đang gặp trở ngại trong thương mại hóa, thiết bị đầu cuối chưa hoàn thiện và giá cực kỳ đắt, tới hàng nghìn USD/chiếc.

Khi đó, một số ý kiến đề xuất nên chọn công nghệ di động vệ tinh toàn cầu với ưu điểm là đi khắp nơi trên thế giới đều có thể sử dụng được cho dù thiết bị đầu cuối to hơn các công nghệ khác một chút.

Thời kỳ này, công nghệ di động vệ tinh được đầu tư mạnh ở Mỹ và châu Âu với các tập đoàn Iridium Global Star... Các nhà cung cấp dịch vụ đã bắn khoảng hơn 60 quả vệ tinh tầm thấp (tương tự như trạm phát sóng di động - BTS) lên quỹ đạo vệ tinh cách trái đất khoảng 10.000 km để đảm bảo sự chuyển vùng cho các thuê bao di động.

Phải thừa nhận công nghệ di động vệ tinh lúc đó có rất nhiều ưu thế và Tổng cục Bưu điện đã nghiên cứu đến công nghệ này. Ngoài những yếu tố về thị trường, công nghệ, thiết bị đầu cuối thì vấn đề được đưa ra cân nhắc là nếu chọn mạng GSM sẽ quản lý tốt hơn là triển khai mạng di động vệ tinh. Vì vậy, quan điểm của Tổng cục Bưu điện là vẫn phải xây dựng mạng di động thông tin mặt đất GSM. Sau này, chính sự thận trọng đã giúp chúng ta tránh được rủi ro khi công nghệ di động vệ tinh thất bại. Trong khi đó, giá thành thiết bị mạng và thiết bị đầu cuối giảm đi rất nhanh nên mạng GSM thương mại hóa và phát triển mạnh trên toàn cầu.

Việt Nam dẫn đầu về triển khai 2G và bài học đi thẳng vào công nghệ hiện đại
Năm 1993, dù còn nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã quyết định chọn công nghệ GSM cho di động và là một trong số ít các quốc gia trên thế giới đi đầu về 2G lúc đó.

Năm 1992, Tổng cục Bưu điện đàm phán với các đối tác để chuẩn bị đưa công nghệ GSM triển khai khắp cả nước. Tháng 7/1993, lựa chọn Acaltel là nhà sản xuất thiết bị để triển khai mạng di động đầu tiên tại Hà Nội. Sau đó, cuối năm 1993 và đầu năm 1994, mạng GSM tiếp tục mở rộng ở TP.HCM với đối tác Ericsson. Đến năm 1994, mạng GSM được thiết lập và chính thức cung cấp dịch vụ tại một số thành phố lớn. Công nghệ này cũng được lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn của châu Âu và ITU để đưa vào thị trường Việt Nam.

Ông Mai Liêm Trực khẳng định: “Khi Việt Nam triển khai mạng 2G GSM thì trên thế giới chỉ có một vài nước Bắc Âu tiến hành. Vì vậy, Việt Nam là là quốc gia trong nhóm đầu tiên trên thế giới triển khai 2G”.

Chọn công nghệ, nhưng cân nhắc yếu tố thị trường

Theo ông Đỗ Trung Tá, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, việc lựa chọn công nghệ nào phù hợp với thị trường là vấn đề không hề đơn giản và nó quyết định rất lớn đối với sự phát triển của mạng di động sử dụng công nghệ đó.

Vào những năm 1990, Việt Nam từng từ chối khéo hệ thống di động Analog (AM) của đối tác Singtel và sau đó công nghệ này không phát triển được. Tại Việt Nam, sau khi VinaPhone và MobiFone triển khai công nghệ 2G GSM thì một số nhà mạng khác lại lựa chọn công nghệ CDMA là SPT, Hanoi Telecom, EVN Telecom. Công nghệ CDMA được các chuyên gia kỹ thuật đánh giá cao nếu so với GSM, thế nhưng nó lại là có kết cục buồn ở thị trường Việt Nam.

Lý do là bởi, lúc này dù CDMA là công nghệ rất hay nhưng ra đời muộn khi GSM đã chiếm đến 86% thị trường di động thế giới. Chính vì thế, quyết định nhảy vào một công nghệ “thiểu số” chỉ có ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Mỹ là không thực sự hợp lý. Kết quả là tất cả các mạng CDMA phải lần lượt khai tử.

Việt Nam dẫn đầu về triển khai 2G và bài học đi thẳng vào công nghệ hiện đại
Các mạng CDMA tại Việt Nam lần lượt khai tử như HT Mobile, S-Fone, EVN Telecom.

Đầu năm 2005, hai đại gia công nghệ trên thế giới là Motorola, Intel hợp tác phát triển điện thoại WiMax. Các nhà mạng Mỹ cũng hỗ trợ cho công nghệ này trong khi châu Âu đi theo công nghệ 4G LTE. Lúc đó, WiMax được đánh giá là công nghệ không dây thế hệ tiếp theo rất có triển vọng vì khả năng truyền dữ liệu với tốc độ cao (1Mb/s – 5Mb/s) và phạm vi phủ sóng rộng lớn (22km). Khả năng của công nghệ băng rộng này lớn mạnh hơn so với Wi-Fi (dựa trên các chuẩn 802.11). Đặc biệt, WiMax có chi phí sử dụng rẻ hơn nhiều so với các công nghệ di động hiện tại. Tại Việt Nam, một số nhà khai thác cũng thử nghiệm công nghệ WiMax để xem xét đánh giá về công nghệ này. Thế nhưng, sau đó Việt Nam đã lựa chọn công nghệ 4G LTE cho 4G chứ không phải WiMax.

Các chuyên gia cho rằng, bài học về lựa chọn đúng đắn công nghệ 2G GSM và 4G LTE đã giúp các nhà mạng Việt Nam tránh được cú “tai nạn công nghệ” hao tiền tốn của.

Bàn về các yếu tố có thể cân nhắc lựa chọn công nghệ phù hợp, ngoài tính ưu việt thì yếu tố xâm nhập thị trường vô cùng quan trọng. Việt Nam đã đúng khi chọn các công nghệ của châu Âu với mức độ phổ biến trên thị trường. Vậy một câu hỏi đặt ra lúc này khi mà 5G trở thành xu hướng trong thời gian tới Việt Nam sẽ lựa chọn và đóng vai trò gì?

Bộ TT&TT cho hay, ngày 17/1/2020, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel tự nghiên cứu và sản xuất, được thực hiện thành công. Như vậy, Việt Nam đã chính thức làm chủ công nghệ mạng 5G.

Việt Nam dẫn đầu về triển khai 2G và bài học đi thẳng vào công nghệ hiện đại
Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G.

Việc làm chủ này có ý nghĩa chiến lược quốc gia và Việt Nam là một trong số ít nước trên thế giới có thể sản xuất thiết bị 5G. Bộ TT&TT sẽ tạo điều kiện và tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện sứ mệnh đầu tư vào nghiên cứu sản xuất thiết bị 5G hướng tới mục tiêu thương mại hóa sản phẩm 5G trong năm 2020, đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới. Từ nay Việt Nam chủ động đi đầu cùng với thế giới về mặt công nghệ, cũng như xây dựng lộ trình và phương án loại bỏ công nghệ di động 2G từ năm 2022. Đây là bước tiến quan trọng để vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo tốt về an ninh - quốc phòng.

Thái Khang

Bốn giải pháp chiến lược để ngành Bưu điện đổi mới trong thời gian ngắn

Bốn giải pháp chiến lược để ngành Bưu điện đổi mới trong thời gian ngắn

Trong bối cảnh đất nước không chỉ bị cấm vận về kinh tế mà còn bị cấm vận về công nghệ, viễn thông, mã 84 của Việt Nam bị khóa… ngành Bưu điện vẫn có nhiều vận dụng sáng tạo để đổi mới.