Ngày 23/6, tại tọa đàm "Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang thiếu sân bay nhỏ, chuyên dùng.

Từ khi Nghị định 42/2016 ra đời đến nay, cả nước chưa xây dựng được sân bay chuyên dùng nào, trừ các bãi đáp trực thăng. Trong khi đó, nhu cầu trong tương lai về bay trực thăng, bay taxi, phục vụ nông lâm nghiệp, địa chất, huấn luyện, thể thao rất lớn.

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam nhận định vệc thiếu các sân bay nhỏ, máy bay nhỏ dẫn đến kết cấu hàng không "không khoa học".

Chuyên gia nhận định Việt Nam đang thiếu máy bay nhỏ, sân bay nhỏ. (Ảnh minh họa: NIA) 

“Một kết cấu hàng không không khoa học nếu thiếu máy bay nhỏ và sân bay nhỏ. Chúng ta đi ra các nước sẽ thấy sân bay nhỏ, máy bay nhỏ rất nhiều.

Các sân bay trước đây của chúng ta nâng cấp lên thành sân bay lớn hết rồi. Nếu tới đây chúng ta nâng cấp sân bay Côn Đảo, sân bay Điện Biên thì máy bay nhỏ không còn để bay nữa, sẽ biến mất.

Vô hình trung sẽ biến nền hàng không Việt Nam thành nơi toàn sân bay lớn và máy bay lớn. Không có một nền hàng không nào trên thế giới như thế hết. Đấy là một nguy cơ hiện hữu, chúng ta cần phải sửa trong thời gian tới đây”, ông Nam cảnh báo.

Theo ông Nam, một sân bay chuyên dùng, sân bay nhỏ với đường băng 1,8km trở lại có tổng vốn đầu tư không quá 500 tỷ đồng. Với số vốn này, nhiều nhà đầu tư sẽ tham gia, tạo thêm đột phá về xây dựng sân bay.

"Nếu chúng ta đi theo hướng đó thì địa phương nào, tỉnh nào cũng có thể có sân bay. Những tỉnh lớn như Nghệ An hoàn toàn có thể có một sân bay vận tải công cộng hay cảng hàng không và một sân bay chuyên dùng", ông Nam nói.

Ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (Ảnh: Nhật Bắc)

Sáng nay (24/6), trao đổi thêm với phóng viên VietNamNet, ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là đẩy nhanh đầu tư vào hạ tầng sân bay, không chỉ cảng lớn mà cả cảng chuyên dùng.

Ngành giao thông đang tập trung vào nâng cấp sân bay hiện tại mà không nghĩ tới việc có những sân bay hết khả năng phát triển, nguồn lực về đất không còn, cần thiết kế những sân bay chuyên dùng để chia tải.

Theo ông Sáu, sân bay chuyên dùng phục vụ máy bay nhỏ bao gồm các sân bay trực thăng, sân bay cho hàng không chung (thám hiểm, khảo sát, nông nghiệp, y tế) mà không phải chuyên chở hành khách công cộng nên số lượng có thể rất nhiều. Ví dụ như tỉnh Đồng Nai cũng đưa vào quy hoạch 2 sân bay thủy phi cơ.

“Vì thế, theo tôi quy hoạch sân bay chuyên dùng thì phải phân tích nhu cầu hiện tại và tương lai. Phải xác định được xu hướng các loại phương tiện sẽ sử dụng trong 20-30 năm tới (ví dụ air taxi, vận chuyển bằng drone lớn...).

Theo đó, Chính phủ quy hoạch tổng thể sân bay lớn, còn địa phương khi xây dựng quy hoạch tổng thể thì xây dựng sân bay chuyên dùng cho máy bay cỡ nhỏ, air taxi, thủy phi cơ”, ông Sáu cho hay.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này đã nhận diện xu thế trên thế giới là máy bay nhỏ, hàng không tư nhân, tương lai có thể là ôtô bay và sẽ cần các sân bay chuyên dùng. Trong các cảng hàng không cũng phải có chỗ cho máy bay này, ngoài ra còn có sân bay riêng.

Do đó, trong Nghị định 42 cũng đã có quy định đóng, mở sân bay chuyên dùng. “Trong quy hoạch, chúng tôi đã đề nghị địa phương nếu phát triển loại hình sân bay này thì phải chủ động thống nhất quy hoạch và huy động nguồn lực", ông Dũng nói.