Trong phát biểu tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ 5 vừa diễn ra tại Quảng Ninh, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Năm 2024 sẽ là năm thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng công nghiệp; là năm phát triển AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực; đồng thời cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn.

Theo Bộ trưởng, công nghiệp bán dẫn không chỉ là ngành công nghiệp nền tảng, mà còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30 - 50 năm tới. Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà, nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.

w chip fpt ban dan 1 1 1092.jpg
Chip của FPT hiện đã được tích hợp vào nhiều sản phẩm (ảnh: Vân Anh)

Chia sẻ góc nhìn của tập đoàn công nghệ Việt đang tham gia vào lĩnh vực bán dẫn, trong tham luận “FPT - từ chip nguồn đến giấc mơ bán dẫn" được chọn trình bày tại phiên chính của diễn đàn, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Doanh nghiệp CNTT Việt Nam – VINASA nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của chip bán dẫn.

Theo ông Nguyễn Văn Khoa, chip bán dẫn có chức năng như ‘mạch máu’ trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip. Phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử. Và ngành công nghiệp điện tử đang phát triển lớn mạnh chính là đầu ra cho con chip.

Tại Việt Nam, năm ngoái, xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện đứng thứ 2 trong 8 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD. Từ đầu năm 2023 đến nay, các hãng điện tử lớn như Samsung, LG, Foxconn... đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam.

Các nước đang thúc đẩy liên kết kinh tế song phương và đa phương với Việt Nam cũng như phê chuẩn các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP và EVFTA… tạo thuận lợi hơn cho thương mại và đầu tư điện tử.

Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. “Chuyển đổi số cần đi song song: Phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn”, ông Nguyễn Văn Khoa nêu quan điểm.

W-make-in-viet-nam-fpt-1-1-1.jpg
Tổng giám đốc FPT, Chủ tịch VINASA Nguyễn Văn Khoa chia sẻ tại Diễn đàn Make in Viet Nam 2023 được Bộ TT&TT tổ chức ngày 11/12. (Ảnh: Vân Anh)

Nhận định Việt Nam có đầy đủ lợi thế để nắm bắt cơ hội, vươn lên trong lĩnh vực bán dẫn, ông Nguyễn Văn Khoa phân tích: Chính sách ngoại giao cởi mở giúp nước ta có vị thế quan trọng. Việt Nam đã ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới và nổi lên là một điểm sáng thu hút đầu tư. Về địa chính trị, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, vị trí “cửa ngõ” thế giới là tài nguyên hiếm có.

Bên cạnh đó, người Việt Nam thích học toán, khoa học, công nghệ. Đây là tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn. Đặc biệt, Chính phủ dành sự quan tâm lớn với mảng bán dẫn và chủ trương đào tạo 50.000 nhân sự.

Từ phân tích trên, lãnh đạo FPT chỉ ra rằng, doanh nghiệp công nghệ Việt có đầy đủ các yếu tố để phát triển lĩnh vực bán dẫn, bao gồm: Đầu ra - thị trường rộng lớn; Nhân sự - nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, có nền tảng tư duy toán tốt; Cơ hội hợp tác - Các nước đang coi Việt Nam là điểm đến mới về bán dẫn, doanh nghiệp có cơ hội liên kết với đơn vị nghiên cứu, đào tạo, kinh doanh uy tín trong lĩnh vực này.

Với câu hỏi “Việt Nam nên tập trung vào đâu?”, ông Nguyễn Văn Khoa đề xuất lộ trình phát triển theo 3 giai đoạn: Ngắn hạn - thiết kế, đóng gói, kiểm thử; Trung hạn - sản xuất; Dài hạn - làm chủ công nghệ lõi. Trong đó, Việt Nam nên tập trung vào các lĩnh vực viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip.

Cùng với việc chia sẻ về hành trình 10 năm nghiên cứu và sản xuất chip để ra được dòng chip đầu tiên vào tháng 9 năm ngoái, Tổng giám đốc FPT Nguyễn Văn Khoa còn cho biết thời gian tới, FPT đóng góp phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, cụ thể là đào tạo 10.000 nhân lực về chip bán dẫn. “Chúng tôi cũng hy vọng các doanh nghiệp CNTT Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau dấn thân tạo nên những kỳ tích mới”, ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Khoa cũng thông tin thêm, sắp tới, VINASA sẽ tổ chức một số hội thảo, tọa đàm để tạo diễn đàn cho các doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi. Qua đó, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu và tham gia vào lĩnh vực bán dẫn, với kỳ vọng rằng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ chung tay đưa con chip - sản phẩm Make in Viet Nam ra thế giới. 

Vân Anh