Trong nhiều năm qua, Nhật Bản liên tục là đối tác đầu tư và viện trợ ODA hàng đầu tại Việt Nam. Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản được xây dựng trên nền tảng là các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà hai nước đã ký kết, cũng như thông qua các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam. 

Tại cuộc hội thảo cấp cao về kinh tế Việt - Nhật gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh đến định hướng mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước. Đó là hợp tác hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. 

Đây cũng là con đường phát triển tất yếu không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều nước trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến rất phức tạp, trở thành vấn đề quan tâm chung của toàn cầu. 

Đối với Việt Nam, thực hiện tăng trưởng xanh còn nhằm mục tiêu thực hiện cam kết mạnh mẽ cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP26, thực hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị nhận định, sự hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông thôn Việt Nam. 

Giai đoạn 2020-2025, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, kiểm dịch động thực vật, phòng, chống thiên tai, phát triển thủy lợi...

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị, những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng mở rộng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, năm 2020 đạt gần 240 triệu USD với 42 dự án, đứng thứ 6 trong các đối tác đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam. Đầu tư của Nhật Bản đạt trung bình khoảng 6 triệu USD/dự án; có dự án đạt gần 80 triệu USD.

Bên cạnh đó, Nhật Bản là thị trưởng xuất khẩu nông lâm thuỷ sản quan trọng, chiếm tới gần 8% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng khá nhanh từ 1,9 tỷ USD năm 2010 lên 3,5 tỷ USD năm 2021, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 6%.

Năm 2022 kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 4,5 tỷ USD. Nhật Bản hiện là nước đứng thứ 6 trong các quốc gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam.

tang truong xanh.jpg
Đẩy mạnh phát triển tăng trưởng xanh. (Ảnh: H.Hà)

Thúc đẩy hợp tác tăng trưởng xanh

Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều chương trình hợp tác trong lĩnh vực tăng trưởng xanh và hai nước còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác mang tính chất bổ sung cho nhau.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu khẳng định, trong trung và dài hạn hướng tới mục tiêu 2030-2050, hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác trong công nghệ xanh, chuyển đổi năng lượng, hợp tác nghiên cứu song phương ứng dụng công nghệ Nhật Bản phù hợp với trình độ và lộ trình chuyển đổi của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp cho biết về tiềm năng hợp tác cụ thể. Giữa Việt Nam và Nhật Bản có nhiều không gian để hợp tác trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả phát triển nông nghiệp và nông thôn. Hai bên đã tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mà hai nước có nhu cầu và Nhật Bản có thế mạnh, như: chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, hạ tầng chiến lược nông nghiệp sạch và thực hiện các cam kết đã được công bố với mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050…

Ông Nakajima Takeo, Trưởng Đại diện Văn phòng Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản tại Việt Nam (JETRO) cho rằng, việc tập trung vào phát triển xanh là rất quan trọng để giải quyết các vấn đề cấp bách tại Việt Nam, bao gồm chất lượng nước, ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, tái chế, hiệu suất năng lượng, khí thải carbon. 

Các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đang triển khai các dự án nỗ lực cắt giảm phát thải khí CO2, đóng góp vào sự phát triển tăng trưởng xanh tại Việt Nam bằng các hoạt động như xây dựng hệ thống điện mặt trời, chuyển đối số trong nông nghiệp để phục vụ tăng trưởng xanh.

Ông Nakajima Takeo chia sẻ, các doanh nghiệp vẫn đang theo dõi, chờ đợi cơ hội từ các chính sách về tăng trưởng xanh của Việt Nam để có thể yên tâm đầu tư vào các lĩnh vực này. 

Ông khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam thực hiện quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn, mở rộng trách nhiệm môi trường của các nhà sản xuất, đẩy nhanh sự chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.

Đại diện cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để nâng cao khả năng của Việt Nam trong việc giảm khí thải carbon, tập trung vào quản lý tài nguyên nước; hợp tác với các công ty nông nghiệp trong việc cải thiện điều kiện sống và triển khai công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai tự nhiên.

Bảo Anh