Hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (05/6), phát động Thập kỷ Phục hồi Hệ sinh thái, ngày 02/6/2021, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (ISPONRE) phối hợp với Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) và Quỹ Phát triển Đổi mới sáng tạo Phần Lan (SITRA) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực Châu Á đang phát triển.

{keywords}
Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực Châu Á đang phát triển.

Mô hình sản xuất công nghiệp khai thác hiện tại - “khai thác - sản xuất - tạo rác thải”- đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho khí hậu toàn cầu, làm khan hiếm tài nguyên và tác động tới đa dạng sinh học. Trong nền kinh tế tuần hoàn sản xuất và tiêu dùng bao gồm chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế các vật liệu và sản phẩm càng lâu càng tốt, kéo dài vòng đời sản phẩm và lưu giữ nguyên liệu, vật liệu trong nền kinh tế ở bất cứ đâu có thể.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Chuyển dịch kinh tế theo kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. Thực hiện kinh tế tuần hoàn là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu, thực hiện. Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hỗ trợ doanh nghiệp giảm rủi ro về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, mở rộng chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân, cộng đồng và thế giới tự nhiên. Để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác..”

Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã trình bày các nghiên cứu có tính đổi mới sáng tạo về những khía cạnh trọng yếu của nền kinh tế tuần hoàn: Quy định, khung pháp lý, các chính sách của khu vực và các quốc gia, cơ hội cho khu vực tư nhân, và đổi mới sáng tạo tại các thành phố nhằm thúc đẩy cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn. 

Ông Gregorio Rafael Bueta, Giảng viên Trường Luật, Đại học Ateneo de Manila trình bày các quy định và khung pháp lý cho rác thải nhựa: “Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, trong đó, dẫn chứng các sáng kiến chính sách và kinh nghiệm về kinh tế tuần hoàn tại Philippines”. Diễn giả Emine Eda Unal, Phó Giám đốc ngân hàng đầu tư, Ngân hàng Đầu tư phát triển Thổ Nhĩ Kỳ nêu các vấn đề Tài chính cho kinh tế tuần hoàn lấy dẫn chứng là các trường hợp đầu tư ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài ra, các diễn giả còn đưa ra định hướng chính sách và lộ trình của toàn khu vực cho ASEAN và Đông Á và đặt vấn đề về đổi mới sáng tạo trong kinh tế tuần hoàn cho các thành phố lấy dẫn chứng phát triển điện từ rác thải (WtE) tại Bangladesh. 

Hằng Nga