Ngày càng nhiều nước thành viên của UNESCO chú ý tới khái niệm thành phố học tập. Vì thế Viện Học tập Suốt đời của UNESCO (UIL) đã tiến hành xây dựng Mạng lưới Thành phố Học tập toàn cầu UNESCO (GNLC) vào năm 2012. Mạng lưới này là nền tảng trao đổi quốc tế, cho phép các thành phố chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và các thực hành tốt để xây dựng một “thành phố học tập”.

Một trong những kết quả của công tác chuẩn bị cho GNLC của UNESCO là Hội nghị Quốc tế về Thành phố Học tập lần thứ nhất do UNESCO, Bộ Giáo dục Trung Quốc và Chính quyền TP. Bắc Kinh đồng tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 10 năm 2013.

Đã có 550 thị trưởng, quan chức giáo dục và chuyên gia từ 102 quốc gia cũng như đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các tổ chức trong khu vực, các tổ chức phi chính phủ và các công ty đa quốc gia đã đến tham dự Hội nghị.

hoc sinh 2 191.jpg

Hội nghị đã thông qua hai văn bản quan trọng: Tuyên bố Bắc Kinh về Xây dựng các Thành phố Học tập, nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc học tập đối với các cộng đồng đô thị trong tương lai, và Các đặc trưng cơ bản của Thành phố Học tập như một danh sách đầy đủ các công việc cần làm để giúp xây dựng thành phố học tập.

Kể từ Hội nghị quốc tế về Thành phố Học tập lần thứ nhất, việc xây dựng thành phố học tập đã được đẩy mạnh và mở rộng tới các cộng đồng trên thế giới. Nhiều thành phố đã bắt đầu coi xây dựng thành phố học tập như một biện pháp nhằm vượt qua những thách thức nhất định, từ đó tiến hành triển khai các văn bản của Hội nghị Quốc tế về Thành phố Học tập lần thứ nhất.

Danh hiệu Thành phố học tập của UNESCO được trao tặng nhằm khuyến khích học tập suốt đời và biểu dương các điển hình tiên tiến trong việc xây dựng thành phố học tập. Danh hiệu được trao cho các thành phố đang triển khai các đặc trưng cơ bản của Thành phố Học tập và đã đạt được kết quả xuất sắc.

Việc tặng thưởng danh hiệu này được giới thiệu lần đầu tiên tại Hội nghị Quốc tế về Thành phố Học tập lần thứ 2, diễn ra tại thành phố Mexico, Mexico, từ 28-30/9/2015.

Các "Thành phố học tập toàn cầu" tại Việt Nam

Giải thưởng Thành phố Học tập của UNESCO là một giải thưởng quốc tế được trao tặng 2 năm một lần tại lễ trao tặng chính thức tại Hội nghị Khu vực về Thành phố Học tập hoặc Hội nghị Quốc tế về Thành phố học tập lần tiếp theo, tùy vào việc hội nghị nào diễn ra trước.

Giải thưởng Thành phố Học tập của UNESCO sẽ được trao cho các thành phố thuộc năm khu vực của UNESCO đã đạt được những tiến bộ ấn tượng trong việc xây dựng thành phố học tập và thúc đẩy học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Tối đa là 6 thành phố trong một khu vực có thể nhận Giải thưởng trong một kì. Những thành phố này sẽ nhận được chứng nhận, nhưng không có tặng thưởng về tiền, do đây không phải là một giải thưởng của UNESCO (Giải thích: Đây là UNESCO Award (Danh hiệu của UNESCO) chứ không phải UNESCO Prize (Giải thưởng của UNESCO)).

Hiện nay, Việt Nam có 5 thành phố nằm trong mạng lưới 294 thành phố học tập toàn cầu trên thế giới được UNESCO công nhận.

Cụ thể, năm 2015, TP.HCM và Hải Dương được UNESCO chứng nhận danh hiệu “Thành phố học tập toàn cầu”. Năm 2020 có thành phố Sa Đéc và Vinh được nhận danh hiệu này. Gần đây nhất, tháng 9/2022, đến lượt thành phố Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) được vinh danh. Như vậy, Đồng Tháp là tỉnh đầu tiên tại Việt Nam có 2 thành phố học tập toàn cầu, nhờ có sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân địa phương. 

thi tot nghiep thanh tung.jpg
Học sinh tại TP.HCM - thành phố được UNESCO công nhận là Thành phố học tập toàn cầu vào năm 2015.

Một loạt thành phố sẵn sàng gia nhập mạng lưới

Giải thưởng Thành phố Học tập của UNESCO được mở với tất cả các thành phố là thành viên của Mạng lưới GNLC UNESCO, tại các quốc gia thành viên trên khắp 5 khu vực của UNESCO.

Trong việc xét tặng này, một thành phố được hiểu là một đơn vị hành chính với ít nhất 10.000 cư dân được quản lý bởi Hội đồng thành phố hoặc một cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân). Một thành phố học tập vì thế có thể là một khu đô thị học tập, một làng học tập, một thị trấn học tập, một cộng đồng học tập, v.v…

Bên cạnh 5 thành phố nói trên, các thành phố khác như Hạ Long, Bắc Ninh, Nam Định, Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Biên Hòa, Bình Dương, Cần Thơ… cũng đang được đề nghị xem xét, chuẩn bị các điều kiện để đăng ký gia nhập mạng lưới này.

Việc trở thành thành viên của mạng lưới "Thành phố học tập" toàn cầu sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ và mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân thành phố.

Đồng thời, các thành viên phải thể hiện tầm nhìn rõ ràng về việc cung cấp các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong cộng đồng. Sau khi được kết nạp, các thành phố sẽ tham gia vào các hoạt động của mạng lưới và báo cáo 2 năm một lần, nêu rõ những thành tựu của họ với tư cách là thành phố học tập toàn cầu.

Văn Thường và nhóm PV, BTV