Bộ GD-ĐT vừa có văn bản số 3759/BGDĐT-GDTX hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với Giáo dục thường xuyên.

Theo đó, có 7 nhiệm vụ chung trọng tâm như sau:

Thứ nhất, thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục thường xuyên, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện công tác xóa mù chữ.

Thứ ba, đổi mới công tác quản lý đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu.

Thứ tư, thực hiện đảm bảo chất lượng, hiệu quả các Chương trình Giáo dục thường xuyên. Tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện đa dạng hóa các chương trình giáo dục trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thứ năm, tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên, cộng tác viên trong các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thứ sáu, tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên trên tinh thần thiết thực, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên.

Thứ bảy, tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức cho người dân và toàn xã hội về lợi ích, vai trò và tầm quan trọng của học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

tieu hoc mam non 13.jpg
Bộ GD-ĐT yêu cầu các Sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Ảnh: Thanh Hùng

Để thực hiện các nhiệm vụ nói trên, trong hướng dẫn, Bộ GD-ĐT đề ra 8 nhiệm vụ cụ thể. Trong đó, Bộ đặc biệt nhấn mạnh tới việc đẩy mạnh các hoạt động góp phần xây dựng xã hội học tập.

Cụ thể, Sở GD-ĐT phải tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí để triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030” (Đề án xây dựng XHHT); Tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án xây dựng XHHT; Thực hiện kiểm tra, đánh giá, tổng hợp kết quả thực hiện Đề án xây dựng XHHT tại địa phương, báo cáo Bộ GD-ĐT theo qui định.

Các Sở GD-ĐT tập trung kiểm tra theo các nội dung chính sau đây: ban hành kế hoạch xây dựng XHHT hằng năm; ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện xây dựng XHHT; bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch xây dựng XHHT hằng năm; công tác truyền thông về xây dựng XHHT; tổ chức phong trào thi đua xây dựng XHHT, đẩy mạnh HTSĐ; thực hiện các chính sách thúc đẩy HTSĐ, xây dựng XHHT do trung ương và địa phương ban hành. 

Đồng thời, các Sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” theo quy định.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND thành phố trực thuộc tỉnh được công nhận thành viên mạng lưới các thành phố học tập của UNESCO xây dựng kế hoạch phối hợp với các sở, ban ngành triển khai xây dựng thành phố học tập một cách thực chất, hiệu quả; Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các địa phương trong tỉnh phối hợp tổ chức hiệu quả Tuần lễ hưởng ứng HTSĐ năm 2024; Hướng dẫn các phòng GD-ĐT, các trường trung học phổ thông, các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX, các cơ sở giáo dục trực thuộc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024 với các hoạt động thiết thực, hiệu quả...

Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn các Sở GD-ĐT thực hiện nhiệm vụ đổi mới quản lý đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thực hiện công tác xóa mù chữ; Củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục thường xuyên thiết thực, hiệu quả; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên.