Việt Nam là một trong những nước quyết tâm xoá bỏ thị trường buôn bán trái phép sản phẩm ĐVHD.

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Bộ NN-PTNT), sau một năm thực hiện, nhằm đánh giá quá trình thực hiện những cam kết của các nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tại Tuyên bố Hà Nội IWT, tháng 9 năm 2017, đến thời điểm hiện tại, đã có 25 nước, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế gửi báo cáo với nhiều kết quả đáng khích lệ. 

Trong đó, Việt Nam là một trong những nước đã và đang thực hiện các cam kết của mình bằng hành động cụ thể như quyết xóa bỏ thị trường buôn bán trái pháp luật các sản phẩm ĐTVHD. Theo đó, Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo nâng cao nhận thức cho giới doanh nhân và các công ty vận tải logistic về vai trò của động vật hoang dã và tác hại của việc tiêu thụ, vận chuyển mẫu vật động vật hoang dã đối với tài nguyên quốc gia, cộng đồng xã hội, bản thân mỗi doanh nghiệp.

{keywords}
Ảnh báo Hải quan

Sự kiện tiêu huỷ hơn 2 tấn ngà voi, 70kg sừng tê giác và một số mẫu vật xương hổ vào tháng 11/2016 là thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về cuộc đấu tranh không khoan nhượng đối với tội phạm buôn bán động vật, thực vật hoang dã.

Bên cạnh đó, cơ quan CITES Việt nam đã và đang hợp tác với tổ chức Humane Society International để thực hiện chiến dịch giảm tiêu thụ sừng tê giác cho học sinh và giáo viên trung học phổ thông về ĐTVHD và giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác đã được thực hiện với sự tham gia của khoảng 6.000 học sinh tại nhiều thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Khánh Hòa.

Đi kèm với hoạt động tuyên truyền, các cơ quan chức năng của Việt Nam còn tăng cường tuần tra, theo dõi trên các tuyến đường bộ, đặc biệt là khu vực biên giới và cửa khẩu, điểm nóng về buôn bán ĐTVHD trái pháp luật. Trên cơ sở đó, các cơ quan Công an, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng tổ chức điều tra, xác lập chuyên án, triệt phá các băng nhóm, đường dây tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ trái phép mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác. 

Trong năm 2017, các cơ quan chức năng đã phát hiện và bắt giữ từ ngày 1/10/2016 đến ngày 15/12/2017, lực lượng chức năng cả nước đã điều tra, phát hiện và bắt giữ 483 vụ buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động, thực vật hoang dã, tịch thu 11.554 cá thể và 10.125 kg động vật hoang dã.

Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ NN-PTNT chia sẻ, vị trí địa lý của Việt Nam nằm trung tâm khu vực Đông Nam Á, sử dụng chung đường biên giới trên bộ với Trung Quốc, Campuchia, Lào, cùng khai thác biển Đông với nhiều nước trên thế giới đã tạo ra nhiều thuận lợi và thách thức đi kèm trong công tác bảo vệ động vật, thực vật hoang dã. Tính từ sau Hội nghị Hà Nội IWT đến nay, Việt Nam đã rất nỗ lực thể hiện các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và bắt giữ 5,5 tấn ngà voi, 160kg sừng tê giác và 2,5 tấn tê tê. Trong 03 tháng đầu năm 2018, các cơ quan thực thi pháp luật tiếp tục bắt giữ gần 1 tấn ngà voi, hơn 7 tấn tê tê.

Bảo Phương