"Chúng tôi rất quan ngại về tình trạng bạo lực và thương vong tiếp tục gia tăng tại Myanmar trong những ngày gần đây.
Việt Nam kêu gọi các bên hết sức kiềm chế, không sử dụng vũ lực, thông qua đối thoại hòa bình để giải quyết các bất đồng, mong muốn Myanmar sớm ổn định vì lợi ích của nhân dân Myanmar, vì hòa bình, ổn định ở khu vực", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong họp báo chiều 11/3.
Việt Nam chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại tuyên bố Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar ngày 1/2 cũng như trong tuyên bố Chủ tịch ASEAN về kết quả của hội nghị không chính thức Bộ trưởng Ngoại giao ASEAn ngày 2/3 vừa qua.
Trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN, ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình ở Myanmar sớm trở lại bình thường, phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
Công nhân các nhà máy tại Yangon tổng đình công trong hôm 8/3. Ảnh: Myanmar Now |
Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN khác nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Myanmar. Việt Nam cũng đã yêu cầu Myanmar đảm bảo an toàn tính mạng và các lợi ích chính đáng của người dân cũng như doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Người phát ngôn cho biết, hiện nay, còn khoảng 600 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Myanmar.
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã và đang theo dõi sát tình hình, thường xuyên liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, các đầu mối cộng đồng Việt Nam ở Myanmar, cập nhật thông tin, kịp thời đưa ra các khuyến cáo đối với công dân đồng thời sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Trong trường hợp cần trợ giúp và có thông tin về công dân Việt Nam bị nạn tại Myanmar thì có thể liên hệ trực tiếp đường dây nóng bảo hộ công dân Đại sứ quán hoặc thông qua tổng đài bảo hộ công dân của Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án bạo lực ở Myanmar
Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc ngày 10/3 đã họp, thông qua Tuyên bố Chủ tịch Hội đồng Bảo an về tình hình ở Myanmar theo đề nghị của Anh và lên án bạo lực ở Myanmar.
Hội đồng Bảo an lên án bạo lực và hạn chế ở Myanmar, đồng thời, khẳng định tiếp tục ủng hộ tiến trình dân chủ, kêu gọi tôn trọng quyền, tự do cơ bản của con người và pháp quyền.
Tuyên bố cũng khuyến khích đối thoại hòa bình, hòa giải phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar. Bên cạnh đó, Hội đồng ủng hộ mạnh vai trò, nỗ lực của ASEAN, việc ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar và ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN ngày 2/3.
Việt Nam - thành viên không thường trực nhiệm kỳ 2020-2021 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhấn mạnh yêu cầu phải chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình và bảo đảm an toàn cho dân thường.
Việt Nam cũng kêu gọi kiềm chế tối đa, đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với hiến pháp, pháp luật của Myanmar và ý chí, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.
Đồng thời, Việt Nam thông báo các nỗ lực của ASEAN trong thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này và cho biết ASEAN sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách thiện chí, phù hợp với các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương ASEAN.
Trần Thường
Thủ tướng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì hòa bình ở Biển Đông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm nay (10/3) hội đàm cùng Thủ tướng Vương quốc Campuchia Samdech Techo Hun Sen và Thủ tướng CHDCND Lào Thongloun Sisoulith theo hình thức trực tuyến.