Tính đến tháng 3/2024, tại Việt Nam, với hơn 122 triệu thuê bao di động và hơn 100.000 trạm phát sóng di động phủ sóng toàn quốc, hệ thống thông tin di động đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội.
Hạ tầng viễn thông có tác động sâu sắc, song hành cùng đời sống người dân, từ học tập, làm việc, vui chơi, giải trí… Trong đó, mạng internet là một dịch vụ do hạ tầng viễn thông cung cấp.
Tại các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hạ tầng viễn thông, cụ thể là các trạm BTS có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến người dân kịp thời. Bên cạnh đó, nhờ internnet, người dân đã biết sử dụng các nền tảng số để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập.
Huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) là nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ông Ninh Móc Seng sống gần khu vực trạm BTS. Theo lời ông Seng, trước đây, khi chưa có hạ tầng viễn thông, mọi thông tin liên lạc ở địa phương gặp nhiều khó khăn. Để gọi cho người thân, ông phải di chuyển quãng đường 10km để ra điểm điện thoại công cộng. Liên lạc khó khăn, việc buôn bán, thông thương của địa phương cũng gặp trở ngại. Người dân trồng cấy, chăn nuôi nhiều cũng khó bán vì không có phương tiện liên lạc để chào hàng…
Từ khi tỉnh Quảng Ninh chú trọng đầu tư hạ tầng viễn thông, các nhà mạng xây dựng, lắp đặt trạm BTS, đời sống kinh tế của bà con huyện Tiện Yên, nhất là các vùng khó đã khởi sắc. Người dân biết sử dụng mạng xã hội để quảng bá, bán hàng, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Họ còn biết học hỏi kinh nghiệm sản xuất, làm giàu trên mạng internet. Đến nay, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện đã nâng lên đáng kể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Ninh Móc Seng cho biết thêm, ông cũng không gặp vấn đề gì về sức khỏe khi sinh sống gần trạm BTS.
Cùng với việc phát triển hạ tầng viễn thông, Việt Nam đã tuân thủ toàn bộ khuyến nghị của các tổ chức quốc tế như ITU, ICNIRP,… để bảo vệ sức khoẻ người dân từ sóng điện từ. Cụ thể: Đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với mức độ bảo vệ nghiêm ngặt hơn so với nhiều quốc gia yêu cầu cao về bảo vệ sức khoẻ như Liên minh Châu Âu.
Việc quản lý phơi nhiễm điện từ trường do nghề nghiệp do Bộ Y tế quản lý theo Thông tư 21/2016/BYT ban hành QCVN 21/2016/BYT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điện từ trường tần số cao - Mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc.
Năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2022/BTTTT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng”. Theo đó, mức giới hạn cường độ điện trường cho công chúng trong dải tần từ 10 MHz đến 6 GHz là 27,5 V/m (theo TCVN 3718-1:2005) đối với phơi nhiễm không do nghề nghiệp.
Trong công tác quản lý việc lắp đặt, vận hành trạm BTS: Trước khi đưa vào sử dụng, tất cả các trạm thu phát sóng thông tin di động đều được hợp chuẩn để đảm bảo tuân thủ các giới hạn phát xạ. Trong quá trình sử dụng, các trạm thu phát sóng đều được kiểm định định kỳ và các nhà mạng phải niêm yết công khai tại trạm BTS hoặc trên website để người dân giám sát.
Các thiết bị của trạm BTS (thiết bị thu, phát) trước khi đưa vào sử dụng, lắp đặt đều phải đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Đồng thời, tất cả các trạm thu phát thông tin di động phải đáp ứng các yêu cầu được quy định trong QCVN 08:2022/BTTTT mới được phép đưa trạm BTS vào hoạt động (theo các yêu cầu và thủ tục quy định tại các Thông tư 16/2011/TT-BTTTT, 17/2011/TT-BTTTT và 18/2011/TT-BTTTT ngày 30/6/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông); và như vậy là bảo đảm an toàn về bức xạ điện từ.
Về mặt quy hoạch và xây dựng các trạm BTS, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 14/2013/TT-BTTTT ngày 21/6/2013 hướng dẫn việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động tại địa phương; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí và đảm bảo mỹ quan đô thị.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã phối hợp với Bộ Xây dựng xây dựng Thông tư liên tịch số 15/2016/TTLT-BTTTT-BXD giữa Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý việc xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động trong đó có các trạm thu phát thông tin di động.
Trên cơ sở này, các địa phương xây dựng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động. Trong quá trình xây dựng quy hoạch, các địa phương đều phải xin ý kiến các ban, ngành liên quan để đảm bảo công tác về an toàn, môi trường, an ninh, quốc phòng.
Đối với các BTS khi có sự thay đổi cấu hình như tăng công suất bức xạ, thay đổi vị trí, độ cao và hướng ăng ten làm cho các tiêu chí về an toàn trong trường bức xạ tần số vô tuyến điện vượt quá giá trị đã được kiểm định hoặc giấy chứng nhận kiểm định hết hiệu lực (5 năm) thì phải kiểm định lại. Người dân có thể nhận biết các trạm BTS đã được kiểm định vì theo quy định trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày trạm BTS được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tổ chức, doanh nghiệp phải niêm yết bản sao Giấy chứng nhận kiểm định tại địa điểm lắp đặt trạm.
*Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại các khu vực trạm BTS, người dân có thể liên hệ trực tiếp đến Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông, thuộc Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông theo số điện thoại: Giám đốc Trung tâm: Ông Hồ Đức Lượng: 0985899899