“Việt Nam chắc chắn là một thị trường đáng mơ ước và thu hút đối với bất kỳ một đối tác nào có quan tâm đến phát triển giao thương toàn cầu”, đó là nhận định của bà Usa Wijarurn, tham tán Thái Lan tại Việt Nam.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnamnet về mối quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan, bà Usa Wijarurn đánh giá cao về thị trường Việt Nam. 

- Bà đánh giá thế nào về mối quan hệ thương mại giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan trong thời gian qua?

Như thông tin bạn đề cập, hiện Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong khuôn khổ ASEAN và là đối tác đứng thứ 9 của Thái Lan trong khuôn khổ quốc tế. Điều này cho thấy Việt Nam và Thái Lan thực sự là đối tác chiến lược của nhau trong quan hệ kinh tế, thương mại cả ở tầm khu vực và quốc tế. Nó cũng cho thấy rõ một điều rằng Việt Nam hiện đang là thị trường vô cùng tiềm năng không chỉ trong khuôn khổ ASEAN mà là trên phạm vi toàn cầu.

Với những lợi thế về thị trường như dân số đông với gần 90 triệu dân, đa phần là dân số trẻ với xu hướng tiêu dùng hiện đại, đồng thời Việt Nam cũng là một trong những nền kinh tế đang phát triển được đánh giá là năng động trong việc tham gia vào thị trường khu vực và thế giới, là thành viên của các tổ chức như ASEAN, APEC, ASEM, WTO, etc.. Việt Nam chắc chắn là một thị trường đáng mơ ước và thu hút đối với bất kỳ một đối tác nào có quan tâm đến phát triển giao thương toàn cầu.

{keywords}
Bà Usa Wijarurn, tham tán Thái Lan tại Việt Nam

Trong nửa đầu năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Thái Lan đạt mức 5,4 tỷ USD, tăng gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014 và mục tiêu mà chính phủ 2 nước thống nhất đặt ra sẽ là 20 tỷ USD vào năm 2020.

Với những con số ấn tượng như vậy cùng với hàng loạt các chương trình hợp tác đã đang và sẽ được thực hiện giữa hai nước, có thể khẳng định rằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa Thái Lan và Việt nam đang trên đà phát triển thuận lợi theo chiều hướng tích cực.

- Thực tế, Việt Nam thường nhập từ Thái Lan nhiều hơn so với việc xuất khẩu. Vậy, theo bà cần làm gì để cải thiện vấn đề này?

Điểm nhận thấy trong kim ngạch thương mại hai chiều của hai nước hiện nay là xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan ở mức thấp hơn so với nhập khẩu. Vì vậy, để tạo sự cân bằng giữa giá trị xuất- nhập khẩu trong cơ cấu của cán cân thương mại giữa hai nước, Việt Nam cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác xúc tiến xuất khẩu, tăng cường giao thương giữa hai nước. Điều này không chỉ đòi hỏi nỗ lực của giới kinh doanh mà còn của chính phủ và sự hợp tác chặt chẽ từ phía Thái Lan.

{keywords}
Các sản phẩm từ ô tô tới hàng tiêu dùng của Thái Lan được ưu chuộng tại Việt Nam

- Từ kinh nghiệm của Thái Lan, bà có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Trong những năm gần đây chúng ta có thể thấy cán cân thương mại của Việt Nam với các nước đã có sự cải thiện một cách rõ rệt theo hướng giá trị xuất khẩu cao hơn giá trị nhập khẩu.

Việt Nam và Thái Lan là hai thị trường có nhiều điểm khá là tương đồng về chủng loại sản phẩm cũng như nhu cầu tiêu dùng, vì vậy các công ty Việt Nam nên chú trọng đến vấn đề chất lượng, giá cả khi muốn xuất khẩu vào thị trường Thái Lan.

Theo ý kiến cá nhân, cơ cấu xuất – nhập khẩu trong cán cân thương mại giữa hai nước chắc chắn sẽ được cải thiện trong tương lại gần đặc biệt khi AEC được thành lập vào cuối năm nay 2015.

- Hai nước cần có những hành động gì cụ thể để thắt chặt mối quan hệ giao thương trong thời gian tới thưa bà?

Để đạt được mục tiêu đặt ra, cả hai nước Việt Nam – Thái Lan cần phải củng cố và tăng cường hơn nữa các hoạt động hợp tác một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Cùng là thành viên ASEAN và sắp tới là AEC, cá nhân tôi thấy chúng ta có rất nhiều động lực để biến kế hoạch đặt ra thành hiện thực vào năm 2020.

D.Anh (thực hiện)