DN lo ngại ô nhiễm

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) diễn ra sáng 10/1/2020 tại Hà Nội, đại diện khối doanh nghiệp FDI đều lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế trong dài hạn.

Ông Nobufumi Miura, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), cho rằng, môi trường suy thoái do ô nhiễm không khí, xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề đáng lo ngại. Tính đến tháng 9/2019 chỉ số chất lượng không khí tại Hà Nội được xếp ở mức nguy hại nhất, còn TP.HCM ở mức thứ 3. Trong khu vực đô thị, khí thải từ xe máy và ô tô gây ô nhiễm không khí, còn ở nông thôn là hệ quả của tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Đây là vấn đề kinh tế xã hội báo động.

{keywords}
Ô nhiễm môi trường ngày càng nặng nề.

Ngoài ra, ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia. 

Môi trường ô nhiễm kéo dài sẽ khiến các nhà đầu tư e dè và làm suy giảm giá trị đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Điều này sẽ ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế. Ước tính, chỉ riêng thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra tại Việt Nam đã ở mức 5% GDP mỗi năm.

Đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp. Dù chỉ là nước nhỏ, xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với khoảng 1,83 triệu tấn/năm. Phần lớn chất thải tại Việt Nam không được phân loại ở cấp hộ gia đình và được chôn lấp mà không qua xử lý.

Các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh không chỉ gây hại môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống người dân trong khu vực và gây lãng phí nguồn nguyên liệu giá trị, có thể được tái chế hoặc sử dụng để sản xuất điện năng. Trong khi, các tập đoàn quốc gia đầu tư tại Việt Nam đang phải tự đề ra mục tiêu tái chế và sử dụng năng lượng tái tạo.

Báo cáo của nhóm công tác Du lịch thuộc VBF cũng đưa ra cảnh báo đáng quan ngại về sự phát triển bền vững của môi trường Việt Nam. Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2019 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam đã tăng 8 bậc từ 129 lên 121/trên 141 quốc gia. Tuy nhiên, nhiều chỉ số lại giảm bao gồm: thực thi các quy định về môi trường, giảm 23 bậc; mức độ nghiêm ngặt của các quy định về môi trường giảm 11 bậc; thay đổi độ che phủ của rừng giảm 10 bậc.

Nhiều điểm đến của Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ  về ô nhiễm môi trường, trong khi kế hoạch phát triển bền vững chưa được triển khai. Quản lý sử dụng năng lượng, giảm lượng khí thải carbon và giảm phát thải, quản lý chất thải, quản lý phương tiện giao thông vận tải,... đang tác động tới sức khỏe con người.

Mặc dù tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch đến Việt Nam 3 năm qua rất ấn tượng, nhưng Việt Nam không được đánh gia cao về bền vững môi trường. Do không có kế hoạch hiệu quả trong quản lý chất thải, nguồn nước hoặc đất đai bị ô nhiễm, một số khu tại Việt Nam đang phải đối mặt với các mối đe dọa môi trường nghiêm trọng như Phú Quốc, Đà Lạt, Hà Nội, TP.HCM,... làm giảm sức hấp dẫn với khách du lịch.

“Lượng rác thải hàng ngày quá mức, chất lượng nước và tình trạng không xử lý, cũng như các chương trình tái chế kém hiệu quả là vấn đề môi trường nghiêm trọng và Việt Nam được xác định là một nguồn xả chất thải nhựa lớn trên thế giới, khiến du khách e ngại và một đi không trở lại”, báo cáo viết.

{keywords}
Ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng.

Ưu tiên cho môi trường

Nhiều khuyến nghị đã được đưa ra với mong muốn Việt Nam có môi trường phát triển bền vững. Theo ông Nobufumi Miura, để đối phó với vấn đề ô nhiễm, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Nhật Bản. Thời điểm 1960-1975 ô nhiễm môi trường là vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản do kinh tế tăng trưởng nóng tới 8%/năm. Vào năm 1973, có 46% các thành phố bị ô nhiễm không khí.

Khi ô nhiễm không khí, nước, đất, tiếng ồn, mùi khó chịu,... trở thành vấn đề, Chính phủ Nhật Bản đã phải sửa đổi Luật kiểm soát môi trường theo hướng thiết lập các giải pháp bảo vệ môi trường, xây dựng các chính sách và dành ưu tiên tài chính cho công việc này. Kết quả là ô nhiễm  giảm mạnh, đến năm 1982 có 99% số thành phố tại Nhật không còn ô nhiễm không khí.

Đại diện EuroCham cho rằng, Việt Nam có đánh thuế túi nilon, nhưng chính sách này chưa thực thi hiệu quả. Quy định này cần mở rộng cho cả việc sử dụng các ống hút nhựa 1 lần, cốc, bao bì, chai lọ và các sản phẩm nhựa không phân hủy khác. Việc phân loại rác thải tại các hộ gia đình cần được triển khai trên toàn quốc để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nhóm Công tác Điện và năng lượng thì đề xuất ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong quy hoạch điện lực quốc gia. Xây dựng các chính sách ưu đãi nhà đầu tư tư nhân phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Thiết kế hệ thống lưới truyền tải điện ưu tiên tiếp nhận năng lượng điện tái tạo,...

Đồng thời, ngưng phê duyệt các dự án nhiệt điện than mới và đánh giá lại những nhà máy đã được phê duyệt nhưng không có thỏa thuận tài trợ hoặc mua điện.

Nhóm Du lịch cho rằng, vẻ đẹp tự nhiên là tài sản quốc gia. Việt Nam được xếp thứ 34/136 quốc gia trong hạng mục Du lịch tài nguyên thiên nhiên, theo chỉ số cạnh tranh du lịch năm 2017 của WEF. Tuy nhiên, lại xếp thứ 113/136 về cơ sở hạ tầng du lịch. Nếu thiếu tầm nhìn dài hạn, sẽ ảnh hưởng đến hầu hết các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Cần phát triển chính sách bền vững và thân thiện với môi trường, từ quản lý chất thải tới công tác xây dựng hạ tầng, bảo vệ tại sản văn hóa và môi trường, đào tạo nguồn nhân lực có hiểu biết và trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, quy định các cơ sở lưu trú có các giải pháp bảo vệ môi trường, xóa bỏ các công trình không thân thiện với môi trường.

Trần Thủy