Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu dự tọa đàm. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Cùng tham dự tọa đàm có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Hoàng Anh; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; lãnh đạo các bộ, ngành hữu quan, địa phương của Việt Nam; ông Trương Ngọc Trác, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước, Quốc vụ viện Trung Quốc (SASAC); và 250 đại biểu đại diện cho hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang hoan nghênh và đánh giá cao nỗ lực của các bên liên quan đã phối hợp tổ chức tọa đàm; đồng thời nhấn mạnh hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư nói chung và hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp Nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng và đang có nhiều bước tiến tích cực, mang lại lợi ích thiết thực và lâu dài cho cả hai bên.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, quan điểm phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều nét tương đồng với quan điểm phát triển của Trung Quốc, trong đó chú trọng phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy tối đa giá trị con người. Phó Thủ tướng mong muốn các đại biểu hai bên đi sâu trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, cùng chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và nhu cầu theo một số định hướng, bao gồm tăng cường hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, chuyển đổi năng lượng, kinh tế số, phát triển xanh; chia sẻ những bài học thực tiễn về quản trị và cải cách doanh nghiệp, giám sát và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thúc đẩy hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực quản lý cấp cao của các doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu xây dựng cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; cùng xây dựng kết nối "Hai hành lang, Một vành đai" và "Vành đai và Con đường".

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Phát biểu tại cuộc Tọa đàm, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh cho biết, doanh nghiệp nhà nước luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, được khẳng định cả về lý luận và thực tiễn.

Tại Việt Nam, tỷ trọng đóng góp của doanh nghiệp nhà nước vào GDP đạt xấp xỉ 30%, thu hút khoảng 0,7 triệu lao động (chiếm khoảng 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), thể hiện vai trò chủ đạo trên một số ngành, lĩnh vực và tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam vẫn bộc lộ một số hạn chế về hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Ông Nguyễn Hoàng Anh đề nghị các đại biểu, lãnh đạo doanh nghiệp tập trung trao đổi, thảo luận về những bài học kinh nghiệm; đưa ra những kiến nghị, đề xuất, gợi mở về chính sách để tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, tìm ra những nhân tố phát triển mới, để đảm bảo cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc đi vào thực chất.

Ông Trương Ngọc Trác, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước, Quốc vụ viện Trung Quốc, nhấn mạnh cuộc Tọa đàm được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, tình hình thế giới có những thay đổi, doanh nghiệp nhà nước có sứ mệnh quan trọng, không thể thay thế nhất là khi vừa qua thế giới phải ứng phó với đại dịch COVID-19.

Ông Trương Ngọc Trác nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy vai trò cơ quan giám sát, quản lý vốn nhà nước hướng tới ngày càng chuyên nghiệp; cùng phương thức vận hành, kinh doanh trên thị trường, thúc đẩy sự hội nhập của doanh nghiệp nhà nước.

Toạ đàm là không gian để hai bên tiếp tục trao đổi, thảo luận đưa ra giải pháp ứng phó với những thách thức đang đặt ra. Doanh nghiệp nhà nước là lực lượng quan trọng trong quá trình hiện đại hoá đất nước. Theo đó cần xây dựng doanh nghiệp đầu tàu, cởi mở, “giàu sức sống”, là trụ đỡ kinh tế quốc dân, góp phần ổn định xã hội, có khả năng đối phó với khủng hoảng.

Chú thích ảnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với các đại biểu tham dự toạ đàm. Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Tại cuộc Tọa đàm, đại biểu hai nước đã trao đổi về kết quả, bài học về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại Trung Quốc; bài học kinh nghiệm và những vấn đề đặt ra đối với việc cải cách doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam và các nội dung lớn khác được quan tâm; cùng trao đổi, thảo luận để phát huy hơn nữa vai trò và giá trị của doanh nghiệp nhà nước đối với nền kinh tế mỗi nước nói riêng, hợp tác kinh tế hai nước nói chung…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp các tập đoàn lớn của Trung Quốc

Chiều 9/4, tại Thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo các tập đoàn, Công ty lớn của Trung Quốc.

* Tại cuộc tiếp Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (Power China), ông Vương Bân, Tổng Giám đốc Tập đoàn cho biết từ năm 2018, Power China tập trung phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam. Đến nay, Tập đoàn tham gia xây dựng nhiều dự án năng lượng với tổng giá trị hợp đồng đạt hơn 9 tỷ USD và sử dụng 1.000 lao động và cam kết sẽ tiếp tục hoạt động lâu dài tại Việt Nam.

chu tich quoc hoi 090424.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Vương Bân, Tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (Power China). Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN

Chủ tịch Quốc hội cho biết các lĩnh vực mà tập đoàn mong muốn đầu tư tại Việt Nam cũng chính là các lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư trong và ngoài nước của Việt Nam. Để thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050 và mới đây, Thủ tướng đã ban hành Kế hoạch thực hiện. Đầu năm 2022, Quốc hội đã thông qua một luật và sửa đổi 9 luật, trong đó có Luật Điện lực, và tới đây sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi luật toàn diện hơn để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao quy mô, tiềm lực, trình độ công nghệ của Power China tại Việt Nam và hoan nghênh kế hoạch mở rộng đầu tư kinh doanh, sản xuất của Tập đoàn tại Việt Nam thời gian tới. 

* Tiếp lãnh đạo Tập đoàn ô tô điện BYD, Chủ tịch Quốc hội nghe ông Lưu Hoán Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị thông tin về những kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh với 4 lĩnh vực chủ yếu là ô tô, điện tử, năng lượng mới và vận tải đường sắt. Tập đoàn BYD đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp máy tính bảng, với tổng vốn đầu tư gần 270 triệu USD tại tỉnh Phú Thọ vào năm 2021, với tổng diện tích 26 hecta, hiện có hơn 9.000 nhân viên. Tại cuộc gặp, lãnh đạo tập đoàn đã trao đổi, đề xuất về các chính sách ưu đãi về sản xuất và tiêu thụ xe năng lượng mới tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chúc mừng Tập đoàn BYD về những thành công, năng lực lớn trong hoạt động đầu tư kinh doanh trên toàn cầu thời gian qua. Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh kế hoạch đầu tư mới của Tập đoàn tại Việt Nam với cam kết về đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động địa phương. Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.

* Tại cuộc tiếp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc (CREG) Liu Leiyun, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành công nghiệp khoáng sản then chốt, trong đó có đất hiếm là ngành công nghiệp chiến lược, là nền tảng để phát triển nhiều ngành công nghiệp quan trọng khác trong bối cảnh hiện nay. Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp nghiên cứu và triển khai hợp tác trong lĩnh vực này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với luật pháp của Việt Nam.

Giới thiệu về thế mạnh của Tập đoàn, ông Liu Leiyun cho biết Tập đoàn mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với Tập đoàn Công nghiệp Than Việt Nam và các đơn vị khác để triển khai hợp tác trong các lĩnh vực khoáng sản quan trọng.

* Tại cuộc tiếp ông Dexi Dong, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Pin điện tử Haosen, Chủ tịch Quốc hội chúc mừng Công ty về những thành công trong hoạt động đầu tư kinh doanh trên toàn cầu thời gian qua, và hoan nghênh kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam với cam kết về đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động… 

Lãnh đạo Công ty cho biết công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, cung cấp pin lithium cho các động cơ điện của các hãng gia công (OEM cấp 1) về động cơ điện và dự kiến thành lập cơ sở sản xuất mới tại Việt Nam. 
Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ quan tâm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài của Việt Nam; đánh giá cao Việt Nam đang là quốc gia có nhiều lợi thế về xuất khẩu ra thị trường quốc tế được nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm, cũng như tìm hiểu các chính sách, cơ hội đầu tư trên nhiều lĩnh vực hai nước có tiềm năng. 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn, giảm tiền thuê đất và nhiều chính sách khuyến khích khác để thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới. 

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam đang chủ động chuẩn bị điều kiện cần thiết để tăng cường hợp tác đầu tư như đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ, điện tử và nhiều lĩnh vực khác. Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện hơn nữa chính sách, pháp luật nhằm thu hút ngày càng nhiều tập đoàn, công ty quốc tế lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thành công tại Việt Nam.

Theo TTXVN