Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2020, cả nước có 60 doanh nghiệp chính tham gia xuất khẩu khẩu trang y tế các loại với tổng số lượng là 143,33 triệu chiếc, tăng nhẹ 0,3% so với lượng khẩu trang xuất khẩu trong tháng 9.
Số doanh nghiệp xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10 đã giảm 10 doanh nghiệp so với tháng 9, khi có 70 doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang các loại. Cũng trong 10 tháng đầu năm, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hơn 1,13 tỷ khẩu trang y tế các loại với lượng xuất khẩu mạnh nhất vào tháng 6 với 236,12 triệu chiếc và tháng 8 sụt giảm mạnh nhất với 135,44 triệu chiếc.
Việt Nam xuất khẩu hơn 1,13 tỷ khẩu trang y tế |
Mặt hàng này được đẩy mạnh xuất khẩu từ cuối tháng 4, sau Nghị quyết 60 cho phép xuất khẩu không giới hạn số lượng. Từ đó, nhiều doanh nghiệp trong ngành liên tục gia tăng sản xuất, còn các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh cũng đầu tư máy móc, chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang, tạo nên "cơn sốt" trong nước.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, việc sản xuất, xuất khẩu khẩu trang là hướng dịch chuyển kịp thời của nhiều doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp may xuất khẩu lớn bị sụt giảm đơn hàng đã “bẻ lái” thành công nhờ may khẩu trang xuất khẩu. Tuy nhiên, khẩu trang chỉ là giải pháp tình thế, không thể giúp ngành may mặc lấy lại phong độ trong xuất khẩu. Đến nay, một số doanh nghiệp cho biết thị trường đã dần bão hòa khi nhu cầu sử dụng không còn quá cao, trong khi nguồn cung tăng vọt.
Báo cáo tình hình sản xuất, thương mại 9 tháng đầu năm của Bộ Công Thương cho biết trong 9 tháng năm 2020, Bộ Công Thương cho biết dưới tác động của dịch Covid-19, dệt may là một trong những ngành hàng chịu thiệt hại trực tiếp lớn nhất cùng với ngành du lịch, hàng không, da giày. Tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thu Ngân