Theo Tổng cục Thống kê, thị trường thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ gồm Hàn Quốc (25% doanh nghiệp), Nhật Bản (18,5%), Trung Quốc (14,5%), và Đài Loan (8,9%).

Xét theo từng ngành, với dệt may da giày, thị trường xuất khẩu có nhiều doanh nghiệp tham gia là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản; với cao su, nhựa, hoá chất, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu khá thấp (chưa đến 50%), thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc và Nhật Bản; với ngành điện tử, Hàn Quốc và Nhật Bản là 2 thị trường chủ yếu, có đến 141 doanh nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc và 53 doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhât Bản; thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp trong ngành cơ khí, ô tô cũng chính là những thị trường truyền thống nêu trên, với thứ tự lần lượt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.

{keywords}
32 Co khi.jpg

Để tính toán giá trị một nước tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã xây dựng phương pháp đo lường giá trị gia tăng trong thương mại để tính toán mức độ tham gia liên kết ngược (đo bằng giá trị gia tăng của nước ngoài trong xuất khẩu) và liên kết xuôi (đo bằng giá trị gia tăng trong nước trong xuất khẩu) trong chuỗi giá trị toàn cầu của một ngành/một quốc gia.

Số liệu cập nhật gần đây nhất (đến năm 2016) cho thấy giá trị gia tăng trong nước (liên kết xuôi) mặc dù tăng về giá trị tuyệt đối, nhưng ngày càng giảm về tỷ trọng, trong khi giá trị gia tăng nước ngoài (liên kết ngược) ngày càng tăng cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng nhập khẩu từ nước ngoài mỗi năm một tăng, có nghĩa là xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào nhập khẩu đầu vào từ nước ngoài, hay nói cách khác tỷ trọng giá trị gia tăng của Việt Nam đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng giảm dần trong thời gian vừa qua.

Thanh Thúy