Năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu tăng 7,2%, đảm bảo vùng phủ 4G tương đương 2G và chuyển dịch toàn bộ thuê bao 2G lên 4G trước tháng 9/2024. Năm 2024, Viettel sẽ chính thức công bố hệ sinh thái thiết bị 5G do tập đoàn sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra quốc tế.
Viettel đạt mức tăng trưởng cao
Ngày 12/1/2024, Viettel tổ chức Hội nghị quân chính triển khai kế hoạch năm 2024.
Kết thúc năm 2023, Viettel đạt doanh thu hợp nhất 172,5 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 5,4%. Năm 2023, Viettel tiếp tục là nhà mạng có chất lượng dịch vụ tốt nhất Việt Nam theo đánh giá của Umlaut và nằm trong top 40 nhà mạng có chất lượng tốt nhất thế giới. Viettel đã triển khai thử nghiệm 5G với khoảng 500 trạm tại 63 tỉnh, thành; và đã chuyển dịch thành công 5,8 triệu thuê bao 2G lên 4G, đạt 109% kế hoạch, nâng tỷ trọng thuê bao 4G lên 80%.
Trong năm 2023, Viettel đã hoàn thành tốt chương trình thí điểm cung cấp dịch vụ Mobile Money với khoảng 5 triệu khách hàng sử dụng, trong đó 73% khách hàng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo đúng định hướng đề ra.
Viettel duy trì vị thế là nhà cung cấp hệ sinh thái số toàn diện nhất hiện nay với 6 lĩnh vực nền tảng: Hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao.
Trong năm, Viettel đã triển khai nhiều hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển hệ sinh thái dịch vụ Cloud lớn nhất cả nước.
Doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới.
Năm 2023, Viettel đã hoàn thành nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm diện rộng hệ sinh thái sản phẩm 5G cả phần cứng và phần mềm, đưa Việt Nam vào top 5 quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ 5G.
Nhà mạng phải mở ra không gian phát triển mới
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, 2023 là một năm khó khăn toàn cầu. Các nhà mạng viễn thông thì hầu như không tăng trưởng, Viettel đạt tăng trưởng doanh thu 5,4%. Kết quả này là do nỗ lực của Viettel hôm nay, nhưng cũng còn là do những nỗ lực và tầm nhìn từ nhiều năm về trước, như đầu tư nước ngoài, công nghiệp quốc phòng, công nghệ số...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Viettel muốn duy trì sự phát triển bền vững thì vẫn phải luôn có tầm nhìn xa và đầu tư cho tương lai từ hôm nay.
Về viễn thông trong nước, theo Bộ trưởng, các nhà mạng vẫn chưa có sự phát triển bứt phá, chưa thấy những đường hướng chiến lược, những quyết tâm chiến lược mạnh mẽ để mở ra được một giai đoạn phát triển mới. Tăng trưởng những năm gần đây của các nhà mạng là thấp, thấp hơn tăng trưởng GDP. Trong khi đó, một nhà mạng viễn thông thế hệ mới mà tăng trưởng tốt là phải xung quanh 10%, tăng trưởng mức đạt yêu cầu thì cũng phải trên 5%.
Các nhà mạng cũng chưa tìm thấy không gian tăng trưởng mới, trong khi không gian cũ đã hết dư địa, thậm chí suy giảm. Thí dụ như các dịch vụ truyền thống là thoại và SMS, đã từng chiếm gần 100% doanh thu di động của nhà mạng, thì cơ bản sẽ giảm xuống chỉ còn dưới 10%. Những dịch vụ truyền thống này của Viettel vẫn đang chiếm tới trên 30% thì phải chuẩn bị là nó sẽ giảm xuống dưới 10%. Nếu không sớm mở ra không gian mới sẽ không có tương lai.
Người đứng đầu ngành TT&TT nhấn mạnh, chưa bao giờ các nhà mạng có những chuyển dịch quan trọng như thế này, có sứ mệnh lớn lao đối với sự phát triển của đất nước như thế này. Chưa bao giờ lĩnh vực viễn thông, CNTT, công nghệ số lại có ảnh hưởng mang tính quyết định lớn đến như vậy đối với sự phát triển của một quốc gia.
Nhấn mạnh đến khái niệm hạ tầng số của Việt Nam bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng IoT, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng cung cấp công nghệ số như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng, Bộ trưởng cho rằng hạ tầng số Việt Nam thì phải dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn. Hạ tầng này phải được ưu tiên đầu tư, hiện đại hoá và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Đề cập tiếp vấn đề 5G, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, năm 2024 là năm thương mại hoá 5G trên phạm vi toàn quốc. Vậy, chúng ta hãy lập kế hoạch để phủ sóng toàn quốc ngay trong năm 2024, hãy sử dụng 5G SA ngay, không cần phải đi qua giai đoạn trung gian 4,5G. Một nhà mạng muốn phát triển bền vững thì mỗi năm phải đầu tư 15-20% doanh thu cho mạng lưới, với Viettel thì mỗi năm phải đầu tư xung quanh 150.000 tỷ đồng cho mạng lưới. Viettel sắp tới làm 5G thì phải đặt mục tiêu tốc độ tối thiểu 100Mpbs và trung bình trên 300Mbps. Một mạng di động chất lượng tốt, dung lượng lớn, phủ sóng sâu vào trong nhà, tốc độ cao thì cứ mỗi 1.000 dân là có một trạm phát sóng. Mạng di động của Viettel thì 2.000 dân mới có 1 trạm phát sóng. 50.000 vị trí phát sóng của Viettel là chưa đảm bảo chất lượng cho di động, nhất là 5G.
Bộ trưởng cho hay, chủ đề năm 2024 của Bộ TT&TT là “Phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Phát triển kinh tế số thì quan trọng nhất là các ứng dụng số, ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Các nhà mạng có hạ tầng, công nghệ, nhân lực và có hiểu biết về chuyển đổi số thì phải là người sáng tạo ra các ứng dụng chuyển đổi số cho các ngành. Mấy năm qua, chúng ta để việc này cho các ngành tự làm và vì vậy, sự phát triển chuyển đổi số, kinh tế số rất chậm.
Phát triển ứng dụng số cho các ngành thì cũng chính là sáng tạo sản phẩm, cũng chính là Make in Viet Nam. Các nhà mạng, các doanh nghiệp công nghệ số phải coi đây là hoạt động nghiên cứu phát triển. Bộ trưởng ví dụ China Mobile mỗi năm chi tới 4 tỷ USD (khoảng 3-4% doanh thu) cho nghiên cứu phát triển, vì thế China Mobile đã phát triển được trên 30.000 ứng dụng 5G công nghiệp, và doanh thu hằng năm tăng trên 10%. Trong khi đó, các nhà mạng Việt Nam thì đang chi cho nghiên cứu phát triển chỉ có 0,1%.
Cơ hội mới cho Viettel trong lĩnh vực AI và bán dẫn
Năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện chiến lược quốc gia về phát triển công nghiệp bán dẫn. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử cũng chính là cơ hội để cho Viettel chuyển từ một doanh nghiệp công nghiệp - viễn thông thành một doanh nghiệp công nghệ. Phát triển công nghệ bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử AI, thiết bị IoT.
Viettel nếu muốn phát triển lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghiệp điện tử, thì phải có tầm nhìn lớn hơn và một quyết tâm lớn hơn. Phải làm chủ đến mức nghiên cứu sản xuất chip trong các thiết bị điện tử của mình. Ngành công nghiệp điện tử đang lớn gấp 3 lần viễn thông. Doanh nghiệp lớn thì phải nhìn vào những không gian lớn hơn, khó hơn và để lại những không gian nhỏ hơn, dễ hơn cho người khác.
Khẳng định năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo (AI) và trợ lý ảo, Bộ trưởng chia sẻ Viettel hãy phát triển các trợ lý ảo để giúp các bộ ngành và địa phương chuyển những việc vất vả, khó khăn, tốn thời gian sang cho AI, giải phóng con người vào những việc thú vị hơn.
Bộ trưởng đề nghị, Viettel phải trở thành một tập đoàn toàn cầu về công nghệ số, tham gia tích cực vào 2 chuyển đổi lớn nhất mang tính thế kỷ của nhân loại là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Viettel phải đi xuống tầng dưới cùng là phát triển công nghệ nguồn. Để phát triển nhanh và bền vững thì Viettel phải lấy công nghệ số làm lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số làm nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số làm động lực cơ bản.
“Viettel hãy mạnh mẽ hơn nữa trong các quyết tâm chiến lược, vừa là để phát triển chính mình, vừa góp phần phát triển đất nước. Hãy luôn ghi nhớ và tự hào, Viettel là doanh nghiệp hạ tầng quốc gia, và đặc biệt, là doanh nghiệp xây dựng hạ tầng mới cho sự phát triển mới của đất nước, đó là KTS. Viettel còn là một doanh nghiệp công nghiệp và công nghệ của Việt Nam. Làm công nghiệp và công nghệ thì hãy luôn nhớ, dân sinh là 90% còn quân sự chỉ 10%”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Dưới sự định hướng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đã khẳng định, Viettel sẽ nhận các sứ mệnh lớn của đất nước trong việc phát triển hạ tầng số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… với tinh thần phụng sự đất nước.