Khả năng tiếp cận các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trở thành chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos vừa qua, khi công nghệ mới có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Viettel là Tập đoàn đi đầu trong việc phát triển các ứng dụng AI dựa trên tri thức bản địa và tri thức ngành hẹp ở Việt Nam, phục vụ các khách hàng doanh nghiệp, Chính phủ. Năm 2024, Viettel tiếp tục đầu tư hạ tầng tính toán hiệu năng cao để phát triển các ứng dụng AI giải quyết các bài toán xã hội.
Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) trình bày tại Davos, khoảng 40% số công việc hiện tại sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Trong đó, một số công việc hưởng lợi khi được AI hỗ trợ tăng năng suất, ngược lại có những công việc có nguy cơ bị thay thế, đặt ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng xuất phát từ khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ.
Với tầm nhìn Sáng tạo vì con người, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) phát triển và đưa vào ứng dụng hàng loạt ứng dụng AI trong các ngành viễn thông, ngân hàng và khu vực công. Các ứng dụng này được thiết kế dựa trên dữ liệu và tri thức ngành hẹp, phục vụ các nhu cầu của doanh nghiệp và nhân sự Việt Nam, cải thiện đáng kể năng suất lao động.
Hệ thống Viettel AI Callbot Inbound của Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom) xử lý khoảng 33 triệu cuộc gọi của khách hàng, giúp tiết kiệm 21 tỷ đồng mỗi năm. Nhờ đó, nhân sự có thể tập trung vào các mảng nghiệp vụ khó, khách hàng được phục vụ kịp thời hơn mỗi khi gọi đến tổng đài.
Các Trợ lý ảo AI do Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) phát triển dựa trên dữ liệu chuyên ngành của mỗi tổ chức đã khắc phục được nhược điểm thông tin sai của chatbot AI tạo sinh, đem lại độ tin cậy và hiệu quả cao cho khách hàng doanh nghiệp và Chính phủ.
Trợ lý ảo pháp luật triển khai tại Toà án Nhân dân Tối cao giúp tiết kiệm 30% thời gian xử lý vụ việc, vụ án của các Thẩm phán trên cả nước.
Trợ lý ảo chăm sóc khách hàng triển khai tại các đối tác doanh nghiệp giải đáp cho khoảng 6.000 khách hàng/ ngày, tăng 50% năng suất so với trước đây.
“Năm 2024 là năm phổ cập hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số, trong đó có phát triển nền tảng trí tuệ nhân tạo, trợ lý ảo, như thông điệp của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số. Viettel sẽ đầu tư những hạ tầng tính toán hiệu năng cao cần thiết để tiếp tục giải quyết các bài toán xã hội bằng AI, tiếp tục thực hiện sứ mệnh tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số”, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel, nhấn mạnh.