Ảnh minh họa: Internet |
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng sau cuộc họp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì ngày 24/12/2019 vừa qua.
Việc triển khai hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng (thu phí không dừng) được xác định là nhiệm vụ hết sức cần thiết tạo ra sự minh bạch trong hoạt động thu phí, văn minh, thuận tiện cho người tham gia giao thông đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội. Bên cạnh đó, áp dụng thu phí tự động cũng góp phần quản lý chặt chẽ phương tiện giao thông đường bộ, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự xã hội.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện hết sức chậm trễ, chưa đạt yêu cầu về tiến độ; các dự án thu phí tự động giai đoạn 1 (BOO1) và giai đoạn 2 (BOO2) còn nhiều vướng mắc chưa được xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng xấu đến tiến độ triển khai toàn hệ thống thu phí tự động, tạo dư luận xấu trong nhân dân. Phương án triển khai thu phí các dự án BOT thuộc địa phương quản lý cũng chưa được xây dựng và thực thi.
Thời gian tới, triển khai hệ thống thu phí tự động là nhiệm vụ bắt buộc, cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của Bộ GTVT và các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp có liên quan. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để chậm tiến độ (đối với cả hai dự án BOO1 và BOO2) cũng như các dự án BOT thuộc các địa phương quản lý, trong đó trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT và cá nhân Bộ trưởng Bộ GTVT.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương chỉ đạo đưa các thiết bị đã lắp đặt vào vận hành, không để tổn thất, lãng phí đầu tư.
Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2020 về toàn bộ việc triển khai hệ thống thu phí tự động trên toàn quốc, phương án tổng thể triển khai thu phí tự động không dừng với mục tiêu hoàn thành trong năm 2020, trong đó làm rõ những khó khăn; đề xuất lộ trình, giải pháp cụ thể để đầu tư, vận hành hệ thống thu phí tự động.
Rà soát xem xét việc sửa đổi bổ sung Quyết định số 07/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ hoặc xây dựng Nghị định quy định về thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng để thay thế cho các nội dung quy định tại Quyết định số 07.
Có giải pháp quyết liệt tháo gỡ vướng mắc đối với dự án BOO1 để sớm đưa dự án vào hoạt động đồng bộ; làm việc với liên danh nhà đầu tư dự án BOO2, thống nhất với Bộ Quốc phòng, xử lý theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật đối với việc thay đổi tỷ lệ tham gia góp vốn của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm trễ, ách tắc như thời gian qua.
Văn bản kết luận này cũng nêu rõ: Thường trực Chính phủ thống nhất quan điểm để bảo đảm hiệu quả dự án BOO2, Viettel cần nắm giữ tối thiểu 50% vốn điều lệ trong doanh nghiệp dự án. Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chỉ đạo Vietel và quyết định theo thẩm quyền việc đàm phán tỷ lệ nắm giữ với các đối tác, đảm bảo khả thi, hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung quyết định về việc phê duyệt phương án tái cơ cấu Tập đoàn Viettel giai đoạn 2016 – 2020.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan có liên quan xử lý dứt điểm những khó khăn đối với việc chuyển các trạm thu phí của dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, sang thực hiện theo hình thức điện tử tự động không dừng, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống thu phí tự động.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án PPP có trạm thu phí) chủ động phối hợp với Bộ GTVT để chuyển các trạm thu phí thuộc phạm vi quản lý sang theo hình thức điện tử tự động không dừng theo đúng quy định.
Các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, KH&ĐT,…phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thu phí tự động, đặc biệt là xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh để đưa hệ thống vào hoạt động theo đúng lộ trình, bảo đảm hiệu quả, chất lượng, an toàn.