Hiện với mục tiêu phát triển mới của Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT VinaPhone) - đơn vị kinh doanh chủ lực của Tập đoàn VNPT, chủ quản mạng di động, thương hiệu VinaPhone cũng bước vào giai đoạn phát triển mới với định hướng: Tiên phong trong chuyển đổi số.

Những dấu mốc đáng nhớ

Hành trình phát triển của mạng di động VinaPhone luôn gắn với những bước ngoặt của ngành Viễn thông Việt Nam.

Ngày 26/6/1996, mạng di động VinaPhone ra đời ghi dấu mốc lần đầu tiên Việt Nam có một mạng di động thuần Việt: 100% vốn của doanh nghiệp đều từ trong nước, toàn bộ đội ngũ quản lý, điều hành, khai thác và xây dựng mạng đều do người Việt đảm trách.

{keywords}
 

Trong cuộc chuyển đổi của thị trường viễn thông Việt Nam, VinaPhone cũng là một trong số ít nhà mạng vượt qua vòng tuyển chọn để sớm cung cấp dịch vụ 3G ra thị trường. Ngày 12/10/2009, dịch vụ VinaPhone 3G được khai trương với thời gian thiết lập mạng băng rộng nhanh chóng. Sau 3G, VinaPhone tiếp tục triển khai dịch vụ 4G tại Việt Nam.

Năm 2018-2019, VinaPhone bắt đầu đầu tư, nâng cấp để chuẩn bị cho việc cung cấp thử nghiệm dịch vụ công nghệ VinaPhone 5G. Đến nay, VNPT VinaPhone tiên phong cung cấp thử nghiệm thương mại dịch vụ VinaPhone 5G ở nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Thủ Đức, Bình Phước, Bình Dương.

{keywords}
 

Đây không chỉ là sự khẳng định về năng lực cập nhật công nghệ của mạng di động VinaPhone mà còn là dấu mốc của cả ngành viễn thông Việt Nam trong xu thế 4.0.

Mạng VinaPhone đang sở hữu một mạng lưới viễn thông đáp ứng đầy đủ các nhu cầu quốc gia về đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền không gian, phòng chống thiên tai cũng như nhu cầu đa dạng của gần 30 triệu khách hàng.

Hành trình trẻ hóa thương hiệu VinaPhone

Đầu năm 2014, thị trường viễn thông có dấu hiệu bão hòa đối với các dịch vụ cơ bản, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ viễn thông ngày càng khốc liệt. Tập đoàn VNPT đã sớm đưa ra chiến lược chuyển đổi nhằm xây dựng lại mô hình điều hành, tổ chức SXKD và định hướng phát triển, phù hợp với xu thế và tiêu chuẩn trên thế giới.

Năm 2015, Tập đoàn VNPT thành lập 3 tổng công ty, trong đó, VNPT VinaPhone giữ vai trò là đơn vị kinh doanh toàn bộ sản phẩm dịch vụ của Tập đoàn VNPT.

VNPT VinaPhone với gần 15.000 nhân viên, tập trung vào kinh doanh tất cả các dịch vụ của VNPT bao gồm dịch vụ di động VinaPhone, dịch vụ Internet (MegaVNN, FiberVNN), điện thoại cố định, dịch vụ truyền hình MyTV... Việc thành lập VNPT VinaPhone đã tạo ra và phát triển hệ thống kênh bán hàng tập trung, thống nhất, xuyên suốt toàn quốc, đa dạng hoá các điểm chạm và giao dịch với khách hàng của Tập đoàn VNPT thông qua: kênh Điểm bán, kênh Bán hàng trực tiếp, kênh Điểm giao dịch, kênh Bán hàng online, Telesale…

{keywords}
 

Với riêng mạng di động VinaPhone, một trong những định hướng phát đã được xác định trong chiến lược phát triển của VNPT và VNPT VinaPhone, là phải tạo được sự thay đổi đột phá về hình ảnh thương hiệu trong nhận thức khách hàng. Năm 2017 đã đánh dấu sự thay đổi tích cực của thương hiệu VinaPhone trong việc vận dụng các kênh truyền thông và marketing hiện đại.

Với định hướng trẻ hóa thương hiệu, VinaPhone đã tăng cường độ phủ về thương hiệu đối với khách hàng trẻ tuổi, thay đổi cách tiếp cận, đưa thương hiệu VinaPhone gần gũi với giới trẻ hơn, mang lại nhiều cảm xúc đối với khách hàng.

{keywords}
 

VNPT VinaPhone đã tập trung phát triển dịch vụ hướng tới việc cá thể hóa từng đối tượng khách hàng, lấy khách hàng làm trung tâm. Nhờ đó, thương hiệu VinaPhone đã tạo được nhiều dấu ấn: Nhà mạng 3G/4G nhanh nhất Việt Nam trong 2 năm 2018-2019 theo đánh giá của Ookla; thương hiệu VinaPhone nằm top 4 thương hiệu viễn thông lớn nhất Việt Nam năm 2020, top 150 nhà mạng viễn thông có giá trị thương hiệu lớn nhất năm 2020 theo đánh giá của Brand Finance…

VinaPhone đã trở thành mạng di động, thương hiệu được khách hàng tin dùng. Năm 2018, VinaPhone chiếm 21% thị trường di động, là mạng di động lớn thứ 2 tại Việt Nam đi đầu trong việc cung cấp dịch vụ công nghệ tiên tiến, tiện ích.

Quyết liệt, tiên phong chuyển đổi số

Thực hiện chuyển đổi số toàn diện, VNPT VinaPhone đã xác định 4 lĩnh vực trọng tâm: Chuyển đổi tổ chức, con người; Chuyển đổi việc quản trị điều hành nội bộ trên môi trường số; Nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua số hoá các quy trình nghiệp vụ tại các điểm chạm, quản trị kênh và mở rộng kinh doanh trên môi trường số. Và khai thác dữ liệu Big Data để tối ưu hoạt động SXKD và mở ra các cơ hội kinh doanh mới.

VNPT VinaPhone đã thành lập các đơn vị, bộ phận mới theo mô hình chuyển đổi số, thành lập nhiều Team dự án để hoạt động linh hoạt, hiệu quả trong môi trường số và liên tục mở các chương trình đào tạo nội bộ để chuyển hoá nhận thức và kỹ năng nghiệp vụ cho chuyển đổi số. VNPT VinaPhone đã thành lập 10 dự án chuyển đổi số thành phần để tập trung vào các lĩnh vực quản trị điều hành nội bộ, nâng cao trải nghiệm khách hàng và ứng dụng khai thác dữ liệu Big Data.

Riêng năm 2021, VNPT VinaPhone triển khai chuyển đổi số, dịch chuyển phần lớn nhân sự đang làm hiện tại sang lĩnh vực số. VNPT VinaPhone áp dụng triển khai các chương trình hành động theo mô hình “Agile” linh hoạt và chấp nhận thử - sai - sửa với tốc độ rất nhanh để các phương án kinh doanh, sản phẩm mới được đưa ra thị trường kịp thời.

{keywords}
 

Thời gian qua, VNPT VinaPhone áp dụng công nghệ IoT, Big Data, BlockChain… tạo ra các sản phẩm dịch vụ số ưu việt, hệ sinh thái số. Tổng giám đốc VNPT VinaPhone Nguyễn Trường Giang, cho biết: “VNPT và VinaPhone luôn khát vọng và tâm nguyện hướng tới vị trí số 1 nhưng không phải số 1 về thuê bao di động mà là đi đầu, là số 1 trong việc cung cấp các hệ sinh thái cho các hộ gia đình, cho từng cá nhân. Chúng tôi gọi là cuộc sống số”.

Mục tiêu phát triển trong 3 năm tới của VNPT VinaPhone đặt trọng tâm về tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng sẽ phải tăng khá cao so với những năm trước, thậm chí cao hơn trung bình ngành. “Chúng tôi đã quyết tâm đi và bước đầu đã đạt những kết quả nhất định. Đấy sẽ hướng để chúng tôi tin rằng một ngày nào đó sẽ quay trở lại ví trí hàng đầu của tập đoàn VNPT” - ông Giang nhấn mạnh.

Ngọc Minh