Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), con nợ lớn của nhiều ngân hàng, đã bị “giáng cấp” từ tập đoàn xuống thành tổng công ty (SBIC). Vậy những khoản nợ cũ với các tổ chức tín dụng sẽ được xử lý ra sao? Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Trước đây, Vinashin được các ngân hàng ưu ái cho vay. Số nợ các tổ chức tín dụng trong nước, bao gồm cả ngân hàng thương mại lẫn công ty tài chính của Vinashin đã lên đến hơn 26.000 tỉ đồng. Quy mô nợ này vào thời điểm đó được xem là rất lớn, nhất là khi nhiều ngân hàng mới chỉ có vốn điều lệ chưa đến 2.000 tỉ đồng.

Chẳng hạn, tổng dư nợ của Ngân hàng BIDV với Vinashin lên tới 6.600 tỉ đồng, vượt 15% vốn tự có của ngân hàng này khi đó. Một trường hợp khác là Habubank. Tổng giá trị tín dụng ngân hàng này cung cấp cho Vinashin lên đến 3.345 tỉ đồng (bao gồm cho vay và mua trái phiếu), tương đương 83% vốn điều lệ.

Trong 2 năm chờ giải quyết trục trặc ở Vinashin, các ngân hàng đều bế tắc với khoản nợ này. Đề án tái cấu trúc nợ ở Vinashin là một đề án riêng và xử lý theo kiểu đặc biệt. Các ngân hàng được phép “treo” các khoản nợ xấu này thay vì phải công bố chính thức là nợ xấu trong báo cáo tài chính và còn được trích lập dự phòng rủi ro tùy theo khả năng tài chính.

Danh sách các tổ chức tín dụng có liên quan đến Vinashin tuy dài, nhưng không được công bố cụ thể. Trong khoảng thời gian đó, mỗi ngân hàng phải tự xử lý. Một vài tổ chức đã chủ động tuyên bố các khoản nợ và cách xử lý, nhưng hầu hết thì không.

Nhìn chung, các khoản nợ được phân vào nhóm 2, nhóm nợ cần chú ý và chỉ phải trích lập 5%. Một số ngân hàng tuyên bố trích lập đầy đủ và hoàn toàn đối với khoản nợ Vinashin, trong đó có BIDV. Các ngân hàng còn lại cũng chủ động trích lập thay vì chờ đợi, chẳng hạn như Techcombank. Trong Đại hội cổ đông thường niên 2013, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết còn hơn 500 tỉ đồng nợ của Vinashin. Khoản vay này được Ngân hàng trích lập hơn 100% giá trị tài sản, nhưng ông không cho biết con số cụ thể.

{keywords} 

Trường hợp xử lý khá tốt nợ xấu có lẽ phải kể đến Ngân hàng SHB hậu sáp nhập với Habubank. Tính đến ngày 31.12.2012, dư nợ của Vinashin tại SHB còn 4.004 tỉ đồng, chiếm hơn 44% tổng nợ quá hạn của ngân hàng này. Nhưng đến cuối năm ngoái, khoản nợ này chỉ còn hơn 1.200 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2013.

Vì sao SHB lại có thể xử lý nhanh đến vậy? Trong Đại hội cổ đông thường niên 2013, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc SHB, cho biết nợ của Vinashin đã được hoán đổi thành trái phiếu. Trong đợt này, SHB được hoán chuyển 1.103 tỉ đồng thành trái phiếu và phần nợ 1.419 tỉ đồng còn lại được trích lập dự phòng và phân bổ trong vòng 5 năm.

Nợ Vinashin được đưa về công ty trung gian là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) để xử lý. Theo đó, DATC phát hành trái phiếu để hoán chuyển các khoản nợ này. Đây là biện pháp được sử dụng để tái cấu trúc các khoản nợ Vinashin, bao gồm cả nợ các tổ chức tín dụng trong nước lẫn khoản vay 600 triệu USD từ nước ngoài.

Đến nay, DATC đã cơ cấu được khoản nợ với tổng giá trị 13.152 tỉ đồng (bao gồm cả nợ gốc lẫn lãi) theo hình thức chuyển đổi thành trái phiếu. Điều quan trọng là trái phiếu này có kỳ hạn 10 năm với mức lãi suất 8,9%, tức ngang bằng với lãi suất trái phiếu chính phủ được phát hành thông thường trên thị trường. Nghĩa là các ngân hàng không chỉ thu được tiền gốc và lãi trước đây, mà còn thu được lãi suất từ trái phiếu trong 10 năm tiếp theo.

DATC đang kỳ vọng cơ cấu tiếp khoản nợ 13.084 tỉ đồng còn lại và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2014. Một tập đoàn lớn khác là Vinalines cũng đang phải gánh giúp khá nhiều nợ của Vinashin. Dù chưa có thông tin về phương thức xử lý, nhưng nhiều khả năng cũng bằng cách hoán chuyển khoản nợ thành trái phiếu.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho rằng cơ chế xử lý này là tích cực đối với nhóm ngân hàng và hợp lý trong bối cảnh hiện nay, vì các ngân hàng sẽ được tái cấp vốn để bảo đảm thanh khoản lẫn các chỉ tiêu hoạt động an toàn.

Thế nhưng, theo ông, điều quan trọng nhất là tổng nợ lại không thay đổi. Thay vì Vinashin phải trả nợ thì giờ chuyển sang cho DATC, một đơn vị do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập cách đây 10 năm với nhiệm vụ xử lý nợ ở các doanh nghiệp nhà nước. Chuyển nợ cho DATC cũng có nghĩa là trách nhiệm trả nợ lại đưa về cho Chính phủ. Và tiền trả nợ vẫn sẽ là tiền thuế của người dân.

Một điều nữa là mặc dù việc DATC chấp nhận trả hết nợ cho Vinashin có thể giải quyết được khó khăn trong ngắn hạn, nhưng nó có thể tạo ra tiền lệ không tốt, dễ dẫn đến tâm lý ỷ lại ở các doanh nghiệp nhà nước khác.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang phải gánh nợ cho nhiều doanh nghiệp nhà nước và đó có thể là lý do khiến các doanh nghiệp này không mấy quan tâm đến việc cải thiện hiệu quả hoạt động. Mặc dù các tổ chức trả nợ thay có thực hiện thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, nhưng hầu hết phần tiền thu lại không đủ bù đắp cho số tiền đã bỏ ra để trả nợ. “Sớm muộn gì cũng sẽ gây áp lực lên ngân sách”, ông Tuấn lo ngại.

(Theo Nhịp cầu đầu tư)