Thông tin trên được đại diện Viện nghiên cứu dữ liệu lớn của Tập đoàn Vingroup chia sẻ taị Hội thảo chuyên đề "AI trong Y tế" được tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) chiều 15/8.
Cụ thể, các ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp bệnh nhân được tiếp cận với chẩn đoán có chất lượng với chi phí thấp, đặc biệt là ở các địa phương. Còn với các bác sĩ, ứng dụng AI này sẽ giúp đưa ra chẩn đoán nhanh và tự tin hơn.
"Theo một báo cáo trên thế giới về sàng lọc ung thư vú cho thấy, nếu chỉ một bác sĩ xem hình ảnh rồi kết luận thì độ chính xác khoảng 78%, nhưng nếu có AI hỗ trợ thì độ chính xác sẽ lên đến 87%", đại diện Viện nghiên cứu của Vingroup khẳng định.
Theo đại diện Viện nghiên cứu dữ liệu lớn, với các bác sĩ, ứng dụng AI trong việc chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp đưa ra kết luận bệnh nhanh và tự tin hơn. |
Bên cạnh đó, đối với cơ sở dữ liệu hình ảnh y tế, Viện đang sở hữu khoảng hơn 100.000 ảnh với các kích thước chụp và mặt bệnh khác nhau được thu thập từ 5-10 bệnh viện tại Việt Nam. Các hình ảnh này đều được chú giải bởi các bác sĩ nhiều kinh nghiệm và được quy chuẩn, gán nhãn. "Chúng tôi sẽ sẵn sàng chia sẻ miễn phí cho các đơn vị nghiên cứu", đại diện Viện nghiên cứu của Vingroup cho biết thêm.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh và cơ sở dữ liệu hình ảnh y tế sẽ được đơn vị này cung cấp miễn phí cho các bệnh viện, đơn vị nghiên cứu, |
Trước đó, trong buổi họp báo giới thiệu về Ngày hội Trí tuệ nhân tạo (AI4VN) được tổ chức ngày 31/7, Thứ trưởng Bộ KHCN Bùi Thế Duy khẳng định, cho đến nay, Việt Nam chưa có nhiều dữ liệu lớn của các lĩnh vực để có thể sử dụng cho nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo. Bởi vì, trong một thời gian dài, từ viện nghiên cứu cho đến cơ quan quản lý, công ty chưa quan tâm lưu trữ dữ liệu để từ đó số hoá, chuyển thành dữ liệu để trí tuệ nhân tạo học và ứng dụng.
Để giải bài toán này, Thứ trưởng Bộ KHCN cho rằng, Việt Nam chỉ có thể phát triển trí tuệ nhân tạo nếu huy động được sức mạnh của từng con người, từng nhà nghiên cứu, từng chuyên viên, kỹ sư, lãnh đạo các tập đoàn để cùng chia sẻ thông tin, chia sẻ tri thức…
Vấn đề này cũng được Thứ trưởng Bùi Thế Duy chia sẻ tại Diễn đàn ICT Summit diễn ra đầu tháng 8/2019. Thứ trưởng mong muốn liên minh chuyển đổi số vừa ra mắt tại Diễn đàn ICT Summit có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau vì cả FPT, CMC. Viettel đều phát triển dữ liệu lớn. Ví dụ như việc phát triển nhận dạng dữ liệu Tiếng Việt, các doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí để tự xây dựng giải pháp cho riêng mình, mà chưa có ai chia sẻ dữ liệu với nhau. Chính vì thế, Việt Nam đã nghèo lại càng nghèo và càng khó bứt phá. "Chúng ta hãy cùng nhau chia sẻ dữ liệu để xây dựng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn", Thứ trưởng Bộ KHCN khẳng định.
Tuy nhiên, những sự vụ như Facebook mới đây bị phát hiện chia sẻ dữ liệu người dùng cho các công ty công nghệ lớn khác như Amazon, Netflix, Spotify... gây ra tranh cãi về mặt trái của chia sẻ dữ liệu. Do đó, làm thế nào để cân bằng giữa sự phát triển của những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và quyền riêng tư của người dùng cũng đặt ra bài toán khó cho nhà quản lý.