Thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng triển khai nhiều hình thức tuyên truyền về phòng, chống mua bán người, từ in ấn tài liệu, phát tờ rơi, loa truyền thanh, nền tảng mạng xã hội, phối hợp liên ngành tuyên truyền tại khu dân cư… Trong đó, hình thức tái hiện phiên toà xét xử giúp cho bà con nhân dân tiếp cận gần gũi và dễ hiểu hơn.
Việc đa dạng hình thức thông tin, tuyên truyền và tái hiện phiên tòa đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, hình thành chuẩn mực ứng xử văn minh phù hợp với các quy tắc của pháp luật. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu.
Sáng ngày 10/10, tại thị xã Vĩnh Châu, Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng chủ trì phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, UBND thị xã Vĩnh Châu tổ chức tái hiện phiên tòa xét xử vụ án về tội “mua bán người” và Hội nghị thông tin chính sách, pháp luật mới liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số năm 2024.
Phiên tòa này do tập thể Chi đoàn, Chi hội Luật gia Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng thực hiện. Đây là vụ án có thật được tái hiện lại, có một số nội dung, tình tiết được chọn lọc, thay đổi để phù hợp với tính chất tuyên truyền.
Theo cáo trạng tái hiện, vào tháng 7/2023, Trần Mẫn Nghi qua Campuchia ứng tuyển vào Công ty khu Kingcrow với nhiệm vụ tuyển nhân viên làm việc. Mỗi trường hợp đưa được người đến Campuchia, ngoài tiền lương Nghi được trả 200 USD.
Sau khi được nhận vào làm, Nghi đăng lên mạng xã hội Facebook với thông tin tuyển mộ người có độ tuổi từ 18 đến 35 tuổi, biết sử dụng máy vi tính và có căn cước công dân để làm việc online tại Tây Ninh, thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng/tháng.
Cuối tháng 8/2023, do cần tìm việc làm nên Lê Thị Thanh Xuân đã tìm đến Nghi. Tin tưởng những thông tin Nghi đưa ra nhưng sau đó, Nghi đưa Xuân sang Campuchia, rồi Xuân được đưa đến khu Sihanouk và giao thực hiện hành vi lừa đảo trên ứng dụng bán hàng.
Làm được khoảng 1 tháng, do áp lực công việc (bị bóc lột sức lao động nặng nề) nên Xuân nghỉ việc, Công ty thu lại thẻ, không cho ăn uống, yêu cầu gia đình chuyển 49 triệu đồng để chuộc về. Lúc đó, Xuân đã liên hệ nhưng gia đình không có tiền chuộc. Một thời gian sau, công ty đưa Xuân ra ngoài và Xuân đã đến đồn Công an Campuchia thì được hỗ trợ về Việt Nam.
Trong quá trình Xuân liên lạc cầu cứu, mẹ của Xuân đến Đồn Biên phòng xã H, thị xã V trình báo. Vụ việc được chuyển đến Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh S thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền.
Khi về đến nhà, Xuân đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh trình báo. Trong quá trình điều tra, Nghi khai nhận ngoài lừa gạt, tuyển mộ đưa Xuân qua Campuchia, với cách thức tương tự, đã lừa gạt, tuyển mộ thêm một người phụ nữ khác nữa.
Hành vi trên của bị cáo Nghi là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm trái pháp luật đến quyền tự do thân thể, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của các bị hại. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nghi với mức án 9 năm tù về tội “mua bán người” theo Điều 150 của Bộ luật Hình sự.
Sau khi phiên tòa tái hiện kết thúc, Đại diện Tòa án, Ban Dân tộc tỉnh đã thông tin, trao đổi về những vấn đề cốt lõi của vụ án trên; việc thực hiện chính sách dân tộc và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt đã làm rõ các thắc mắc của học sinh, người dân về cách nhận biết, phòng ngừa tội phạm mua bán người; các giải pháp của địa phương, cơ quan chức năng đối với trường hợp tội phạm nhắm vào đồng bào dân tộc thiểu số, người gặp khó khăn, người không có công việc ổn định; người dân cần làm gì, liên hệ cơ quan nào khi phát hiện tội phạm mua bán người...